Khát vọng làm giàu trên những vùng đất khó
- Chủ nhật - 05/07/2015 00:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi về HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào những ngày nắng nóng như đổ lửa kèm theo những đợt gió Lào làm rát da, rát thịt người đi đường. Và trong khi những vùng đất màu mỡ khác trên “chảo lửa” Hà Tĩnh, cây cối, rau củ bị héo úa hoặc chậm phát triển do thời tiết quá gay gắt thì cũng chính tại nơi nhiệt độ cao nhất ấy, hàng loạt các loại rau, củ, quả có giá trị lại sinh sôi, nảy nở bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết.
Chị Trần Thị Việt Hà, Chủ nhiệm HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung cho biết: Trước đây gia đình chị làm nghề ấp các loại con giống gà, ngan, ngỗng và phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn có thu nhập rất khá. Nhưng đến năm 2013, giống gà bị xuống giá đúng vào thời điểm Hội Phụ nữ xã tổ chức đi tham quan mô hình trồng rau trên đất cát của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tại xã Thạch Văn - huyên Thạch Hà. Qua tham quan, chị được biết nếu trồng rau trên đất cát sẽ tận dụng được đất đai hoang hoá bạc màu và phù hợp với công việc chị em phụ nữ. Bắt tay vào việc lại nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Mitraco, chị Hà mạnh dạn chuyển hướng sang trồng rau và thành lập HTX với 9 thành viên, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. HTX chủ yếu trồng các loại rau công nghệ cao trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển. Được các cấp chính quyền địa phương chấp thuận cấp cho HTX 12 ha đất để sản xuất, tháng 9/2014, HTX tiến hành khởi công san lấp mặt bằng, lắp hệ thống tưới tự động, đường điện… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn cho thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, nhưng được sự giúp đỡ của các cấp, đặc biệt là Mitraco, HTX nỗ lực từng bước vượt qua những khó khăn. Ngay vụ đầu tiên năng suất đạt 20 - 30 tấn/ha, đạt doanh thu từ 100 - 200 triệu đồng/ha. Đến nay đã ổn định hơn nhiều, thu nhập của xã viên cũng được tăng cao. Đặc biệt, nhờ ký hợp đồng liên kết với Mitraco để được cung cấp giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên HTX và bao tiêu sản phẩm kịp thời với giá cả hợp lý, nên bà con và thành viên rất phấn khởi, tạo được niêm tin ban đầu cho các thành viên góp vốn và chính quyền địa phương. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, HTX đã thu được những thành công ngoài mong đợi, không chỉ gieo mầm sống trên vùng đất chết mà còn tạo ra bước ngoặt mới cho người nông dân vùng ven biển Hà Tĩnh. “Thực sự chúng tôi không ngờ được là một vùng đất cát hoang hoá bạc màu bỏ lãng quên từ lâu đã mà giờ đã phủ kín một màu xanh mơn mởn” – Chị Hà vừa cười tươi vừa nói. * Để vào xã Kỳ Bắc, một xã miền núi ở huyện Kỳ Anh, chúng tôi phải vượt qua vài chục cây số đường đất với địa hình khá phức tạp. Nơi đây thời tiết quanh năm khắc nghiệt nổi tiếng với những “Chảo lửa, túi mưa”, nhưng từ ngày HTX Hoàng Châu đi vào hoạt động dường như đã làm thức dậy và thay đổi vùng đất này.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Hoàng Châu, bà Trần Thị Châu hồi tưởng: HTX Hoàng Châu xuất phát từ tổ hợp tác gồm 6 xã viên liên kết làm dịch vụ vận tải hàng hoá phục vụ nhân dân xã Kỳ Bắc và một số vùng lân cận. Vốn là mô hình tự phát nên phương hướng hoạt động không có mục tiêu rõ ràng, việc quản lý còn thiếu kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ chưa qua đào tạo nên hiệu quả mang lại còn thấp thu nhập bình quân 500 ngàn đồng/người/tháng.
“Tư tưởng của xã viên nhiều lúc không ổn định, có thời điểm đứng bên bờ vực tan rã. Cũng vào thời điểm khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, chúng tôi được Liên Minh HTX Hà Tĩnh tư vấn thành lập HTX, tư vấn phương án sản xuất, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu khâu nối với Mitraco để liên kết hợp tác chăn nuôi lợn nái sinh sản. Đây là mô hình chăn nuôi heo nái đầu tiên của Mitraco và cũng là mô hình heo nái vệ tinh thí điểm của tỉnh Hà Tĩnh.” – bà Châu cho biết. Bà Châu nhớ lại: “Ngay sau đó, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với các xã viên đưa ra hướng đầu tư trại nái khi mà cả tỉnh đang thiếu giống cho người chăn nuôi, khi mà giống của bà con chăn nuôi đang mua tại thị trường trôi nổi không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, chất lượng kém lại càng đặc biệt hơn khi tỉnh đã có quyết định phê duyệt cây con chủ lực thì con giống là một vấn đề quyết định cho sự thành công của phát triễn chăn nuôi. Vì vậy HTX Hoàng Châu được thành lập vào tháng 10 năm 2010, với quy mô ban đầu 350 con lợn nái bố mẹ, 6.000 con lợn cai sữa/năm, 7 người góp vốn với 800 triệu đồng”. Điều vui mừng là đến nay sau 5 năm hoạt động, HTX Hoàng Châu đạt được nhiều thành tích đáng kể và đang trên đà phát triển. Hiện nay HTX có 10 thành viên với số vốn lên tới 6 tỷ đồng. * HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thành lập năm 2012, khi ấy chỉ có 7 người góp vốn với số tiền 750 triệu đồng, nhưng đến nay số vốn đó đã “đẻ” thành 2,5 tỷ đồng. Nói về quá trình thành lập HTX, Giám đốc HTX, ông Phạm Văn Cảnh cho biết, khi quyết định thành lập HTX, ông đã trăn trở, đi tìm hiểu khắp nơi và quyết định rủ thêm những người có cùng chí hướng, có kinh nghiệm trong chăn nuôi, có khả năng góp vốn để làm. Ban đầu công ty nuôi 1.200 con lợn. Tuy nhiên, những năm đầu mới thành lập, HTX Hợp Lực gặp nhiều khó khăn, không có vốn hoạt động, nhân lực thì thiếu, thành viên chưa an tâm khi góp vốn và làm việc tại HTX… Song, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là Liên minh HTX tỉnh luôn đồng hành, cho vay vốn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho HTX, dần dần HTX đã đi vào hoạt động ổn định, đã thu hút được con em trên địa bàn tham gia vào thành viên của HTX. Nói về thành công của HTX, Giám đốc Phạm Văn Cảnh khẳng định: Quan trọng nhất là HTX áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. HTX chi 12 triệu đồng/tháng để thuê kỹ sư chuyên ngành xuống hướng dẫn. HTX đã liên kết với các Công ty giống ngoại tỉnh như Đồng Nai, Vinh, các trại giống Trung ương để cung cấp giống, thức ăn, dịch vụ khác. Ngoài ra HTX ký kết với các thương lái, lò mổ để bao tiêu các sản phẩm cung ứng trong tỉnh và ngoại tỉnh. Giờ đây không thể làm ăn đơn lẻ, nhiều người chung tay vào thì dễ làm ăn hơn…
Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của Hà Tĩnh mà chúng tôi có dịp ghé thăm. Đến nay, tỉnh này đã xây dựng hơn 7.000 mô hình trong nông nghiệp doanh thu lớn từ trồng rau quả đến nuôi trồng. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh là đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh có 54 HTX sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản.
Nói về kết quả này, đồng chí Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ: Nếu không có HTX thì không thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, vì không thể đưa được vốn, khoa học công nghệ, giống, hạ tầng cũng như lao động vào. Dân thấy vào HTX có lợi thì sẽ tự nguyện vào. Và thực tế đã chứng minh những mô hình hợp tác làm ăn này của Hà Tĩnh đã góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Và trong chuyến thăm và khảo sát mô hình HTX nông nghiệp tại Hà Tĩnh vào cuối tháng 5 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhấn mạnh: Không thể mãi phát triển nhỏ lẻ, phải hợp tác, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung có quy hoạch, chế biến sâu. Cần tìm được nhiều mô hình HTX làm ăn tốt để tự tin phát động phong trào phát triển HTX kiểu mới trên cả nước, bởi HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ tạo động lực để phát triển ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, tới đây, Trung ương sẽ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển mô hình HTX kiểu mới, trong đó có cơ chế thí điểm cho vay vốn ưu đãi 500 HTX tiêu biểu./. | ||||
Thu Hà theo http://dangcongsan.vn |