Khi doanh nghiệp về với nông dân
- Thứ ba - 16/06/2015 04:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác và giúp bà con gắn bó hơn với ruộng đồng. |
“Bén duyên” nông nghiệp
Từ lĩnh vực khai thác khoáng sản và kinh doanh thương mại, nhận thấy tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, hơn 10 năm trước, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đã lấn sang “sân chơi” mới và trở thành đơn vị tiên phong đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Bắt đầu từ Trung tâm Chăn nuôi Thạch Vĩnh, đến nay, DN đã phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn theo hướng công nghiệp hiện đại, đồng nhất một loại giống với đàn nái lên đến 7.000 con và đang phấn đấu cung cấp 60-65% con giống trên địa bàn.
Ngoài 2 trại nuôi lợn thương phẩm quy mô hàng chục vạn con/năm, Mitraco còn phát triển gần 350 hộ nuôi vệ tinh, liên kết lợn thương phẩm và lợn nái… Đồng thời, đưa Nhà máy Chế biến súc sản ở Kỳ Anh có quy mô giết mổ 500 con lợn, bò/ngày theo dây chuyền, công nghệ châu Âu đi vào hoạt động.
Nối tiếp những thành công, năm 2013, Mitraco tiếp tục hợp tác với chuyên gia Hồng Kông triển khai thí điểm dự án trồng rau, củ, quả trên đất cát bạc màu ven biển với hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương hiện đại; đã khảo nghiệm và lựa chọn được một số giống cho hiệu quả kinh tế cao như: măng tây, củ cải các loại, hành, tỏi, dưa chuột, cà rốt, rau… để nhân ra diện rộng. Không chỉ liên kết với 30 HTX và tổ hợp tác phát triển được gần 200 ha sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ cao, Mitraco hiện là đầu mối chính bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Theo lãnh đạo Mitraco, hiện nay, đơn vị đang tích cực phối hợp với các đối tác Thái Lan, Nhật Bản, Úc, Canada phát triển chăn nuôi bò Charolaise, lai Zebu… chất lượng cao. Từ 500 con bò nái nền Úc, hiện nay, đơn vị đang chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển thêm 2.000 - 4.000 con trong năm 2015, trong đó, có 1.500 con bò nái, 500 con bò thịt Úc. Dự kiến, đến năm 2020, số lượng đàn bò chất lượng cao sẽ phát triển thêm 18.000 - 20.000 con. Được biết, Mitraco đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giống hươu Việt Nam tại Hương Sơn.
Bên cạnh Mitraco, đến nay, có nhiều DN đang tiếp sức cho nông dân như: Công ty CP (Thái Lan) liên kết nuôi lợn quy mô lớn; Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương miền Trung, Công ty TNHH Sao Đại Dương… trồng rau, củ, quả trên cát bạc màu và tiêu thụ sản phẩm; Công ty Đại Nam đầu tư nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư… Tỉnh ta cũng đã kêu gọi được một số DN nước ngoài, trong đó có Công ty Fineton (Hồng Kông - Trung Quốc) đã tiến hành đầu tư nhiều chuỗi giá trị của sản phẩm như rau - củ - quả, cá bơn, cá mú và bào ngư…
“Chìa khóa” xây dựng nông thôn mới
Với sự xuất hiện của các nhân tố mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, người nông dân đã tiếp cận phương thức sản xuất mới để nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước thay đổi tư duy, tác phong lao động, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Sau khi xuất ngũ về địa phương, cựu chiến binh Trần Nghệ Tịnh (Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên) đã đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi lợn ở các địa phương như Đồng Nai, Bắc Ninh… Trở về quê, ông quyết định xin chính quyền địa phương đấu thầu mảnh đất sình lầy 4,6 ha ở thôn 4 (Cẩm Thăng) để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam.
Cuối năm 2013, ông thế chấp nhà vay hơn 1,5 tỷ đồng và huy động thêm nguồn vốn từ anh em, bạn bè xây dựng trang trại quy mô 8 chuồng, nuôi 4.800 con lợn/lứa. Ngoài hiệu quả kinh tế đã được khẳng định (doanh thu hàng tỷ đồng/năm), mô hình sản xuất mới của ông đã giải quyết việc làm cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập mỗi tháng bình quân 5 triệu đồng/người. Không chỉ người nông dân thay đổi được thói quen, tư duy canh tác, ngay cả những kỹ sư trẻ, sinh viên mới ra trường cũng có cơ hội phát huy kiến thức đã học được ngay tại quê nhà.
“Tại thời điểm bọn em ra trường, số lượng DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta rất ít, phải đi các tỉnh khác để tìm việc. Những năm gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết được địa phương và các DN đang cần lao động nông nghiệp có trình độ, tay nghề nên chúng em đã nắm bắt cơ hội để về đây” - kỹ sư Phạm Thị Hoài (cán bộ Trại Thực nghiệm Công ty Fineton tại Xuân Thành, Nghi Xuân) cho biết.
Hiệu ứng từ phương thức sản xuất mới không dừng lại ở việc tiếp nhận, thu hút nguồn lực chất lượng cao phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH, quan trọng hơn, như khẳng định của chị Đặng Thị An (thôn Văn Thành, Xuân Thành, Nghi Xuân): “Khi được tiếp cận công nghệ mới, chúng tôi không cần phải “ly nông” hoặc “ly hương” nhưng vẫn có được thu nhập chính đáng trên đồng đất của mình”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn cho rằng, quá trình triển khai, tổ chức lại sản xuất theo hướng: “DN hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư” theo chuỗi liên kết “vừa tập trung, vừa phân tán” chính là động lực then chốt, yếu tố quyết định cho việc khai thác hiệu quả lợi thế vùng miền, tạo đột phá trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo baohatinh.vn