Khi người dân làm chủ sản xuất

Sau hơn 1 năm triển khai, dự án phát triển mô hình rau - củ - quả trên đất cát bạc màu ven biển đã đạt được những kết quả quan trọng. Với 10 ha ban đầu của Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, vụ đông này, diện tích rau - củ - quả trên cát toàn tỉnh đã đạt gần 200 ha. Cùng với kết quả về diện tích và sản lượng, người dân đã dần thay đổi nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa, từng bước làm chủ kỹ thuật.
Sản xuất rau - củ - quả trên cát bạc màu ven biển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Sỹ Ngọ

Vụ đông này, HTX Hoàng Chu ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) nhận sản xuất gần 3 ha rau - củ - quả trên cát. Chỉ trong thời gian hơn 1 tháng, kể cả tiến hành san đất nền và lắp đặt hệ thống tưới, HTX (với 7 xã viên) đã gieo trỉa được 2,5 ha củ cải các loại; vài ngày tới sẽ hoàn thành tổng diện tích được giao. Hiện nay, củ cải đang phát triển nhanh và đều; các diện tích làm đầu vụ đã xanh tốt và bắt đầu phát triển củ. Mặc dù đây là vụ sản xuất rau - củ - quả trên cát đầu tiên, nhưng HTX Hoàng Chu là một trong những đơn vị được đánh giá triển khai nhanh và đảm bảo tiến độ.

Theo các xã viên, có được kết quả này, bên cạnh điều kiện thời tiết khá thuận lợi, HTX đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất lao động, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của nhiều công cụ sản xuất được Chủ nhiệm HTX Trần Viết Chu cải tiến và chế tạo như: guồng định hàng, bàn gạt luống, bét tưới nước, máy xới cỏ… Chủ nhiệm HTX Trần Viết Chu cho biết: “Qua quá trình triển khai, phần vì diện tích sản xuất quá lớn, phần vì thiếu công cụ hoặc các công cụ chế tạo sẵn thường không phù hợp, năng suất lao động thấp, tôi đã thử nghiên cứu, chế tạo thêm công cụ và cải tiến các công cụ có sẵn nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, đảm bảo độ chính xác và tạo sự phát triển đồng đều, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Trên những luống đất cao và thẳng tắp, chiếc guồng định hàng mới được Chủ nhiệm Chu nghiên cứu cải tiến lăn đều trên mặt luống, để lại những cặp lỗ gieo hạt đều đặn, chính xác. Theo ông Chu, trước đây, khi chưa được cải tiến, chiếc guồng định hàng này phát huy được tác dụng nhất định, nhưng vẫn có nhiều nhược điểm như: chu vi guồng quá nhỏ nên thao tác chậm hơn; đặc biệt là các nút tạo lỗ trên guồng quay là lỗ đơn, trong khi yêu cầu kỹ thuật gieo một khóm 2 hạt để nhổ tỉa khi cây bắt đầu phát triển. Tuy vậy, khi nhổ một cây sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây còn lại. Việc cải tiến guồng định hàng với chu vi lớn hơn và cơ cấu lỗ kép đã hoàn toàn khắc phục được những hạn chế này. Hệ thống bét phun nước cũng là một trong những công cụ được ông Trần Viết Chu nghiên cứu cải tiến thành công, tạo lực đẩy lớn hơn nhằm mở rộng diện tưới nước và phun sương đều hơn. Ngoài ra, ông đang nghiên cứu chế tạo các loại dụng cụ khác, trước mắt là máy xới đất và làm cỏ cho các loại rau - củ - quả.

Khi người dân làm chủ sản xuất

Xã viên HTX Dùng nước và dich vụ nông nghiệp Thiên Cầm chăm sóc diện tích củ cải vụ đông 2014

Là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, do yêu cầu khắt khe của thị trường, các sản phẩm rau - củ - quả đòi hỏi phải có sự đồng đều về mẫu mã và chất lượng. Vì vậy, không chỉ chế tạo, cải tiến công nghệ phù hợp mà trong các khâu làm đất, gieo trồng cũng cần có những yêu cầu kỹ thuật chỉ qua thực tiễn sản xuất mới có thể đúc kết và thực hiện được. Vấn đề này, đang được bà con xã viên HTX Dùng nước và Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) triển khai trong vụ đông năm nay. Theo đó, bên cạnh chấp hành khắt khe các yêu cầu kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc rau - củ - quả công nghệ cao trên cát, bà con đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đặc biệt là kết hợp với các biện pháp sản xuất truyền thống trong các khâu như: lên luống, đục lỗ, tra hạt, bón lót phân chuồng, xới váng và vun luống…

“Rút kinh nghiệm trong vụ sản xuất trước, vụ đông này, chúng tôi tập trung thực hiện các biện pháp kỹ thuật kết hợp công nghệ mới và qua kinh nghiệm sản xuất để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết như mưa lớn, sương muối… và đảm bảo độ đồng đều cho sản phẩm để dễ tiêu thụ. Hiện nay, trà củ cải đầu tiên phát triển rất tốt, cho thấy tác dụng của việc áp dụng kỹ thuật gieo trỉa mới” - chị Nguyễn Thị Liên, xã viên HTX Dùng nước và Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thiên Cầm cho biết.

Làm chủ kỹ thuật sản xuất sản phẩm hàng hóa công nghệ cao, mạnh dạn tìm tòi và áp dụng những sáng kiến kinh nghiệm đột phá cũng là những bước đi hứa hẹn thành công của HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung, xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên). Là vụ sản xuất đầu tiên, với tổng diện tích trên 10 ha rau - củ - quả, HTX Hà Trung đang huy động sức mạnh tổng hợp từ 12 xã viên và tích cực áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phủ xanh hết diện tích. Không dừng lại ở đó, chị Trần Thị Việt Hà - Chủ nhiệm HTX đang có tham vọng nhận thêm đất để mở rộng các loại hình SXKD khác phù hợp với điều kiện đất cát ven biển.

Theo ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sản xuất rau - củ - quả trên cát là một phương thức khá mới mẻ đối với người nông dân. Vì vậy, việc người dân tiếp cận được công nghệ mới để tiến hành sản xuất đã là một thành công lớn. Hơn nữa, việc người dân tự mày mò, sáng chế thêm những công cụ sản xuất để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa là kết quả ngoài mong đợi. Đây thực sự là một bước tiến mới trong tư duy sản xuất hàng hóa của người dân, thể hiện tinh thần làm chủ của người dân đối với thành quả của mình.

 
Vũ Dũng
Theo baohatinh.vn