Không chủ quan, nóng vội trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh

Không chủ quan, nóng vội trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nghe và cho ý kiến phương án sáp nhập xã của các huyện Đức Thọ, Vũ Quang và TX Hồng Lĩnh vào sáng 8/5.

Cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan.
 

Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, BTV Tỉnh ủy đã triển khai nghiêm túc, cụ thể hóa các nội dung liên quan. Trên cơ sở văn bản số 1445-CV/TU ngày 27/3/2019 của BTV Tỉnh ủy về việc chỉ đạo thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1780/UBND-NC ngày 29/3/2019 về việc sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, trong đó giao UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương đã báo cáo về phương án sáp nhập và giải trình các thông tin liên quan đến việc xây dựng phương án. Trong đó, huyện Đức Thọ là đơn vị có số lượng xã phải sắp xếp lớn nhất tỉnh. Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm, địa phương đã đề xuất 3 phương án sáp nhập cụ thểtỉnh chỉ đạo phương án nào huyện Đức Thọ sẽ tập trung thực hiện theo phương án đó.

 
Còn theo Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Phạm Hữu Bình báo cáo, huyện đã xây dựng phương án sáp nhập bài bản, đồng thời giải trình các yếu tố về lịch sử, địa lý và các nguyên nhân khác tác động đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Trong khi đó, Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh Đặng Thanh Hải lại đề xuất: Hồng Lĩnh đang trong giai đoạn xây dựng đô thị loại 3, phong trào trong nhân dân đang phát triển mạnh, vì vậy trước mắt thị xã mong muốn chưa thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn này.
Tại cuộc họp, khẳng định sáp nhập xã đối với những đơn vị chưa đạt 2 tiêu chuẩn (dân số, diện tích) là đúng đắn, đại biểu cũng phân tích những vấn đề liên quan, các vướng mắc cụ thể: Cách gọi tên sau sáp nhập, nơi đặt trụ sở hành chính, việc giải quyết nợ đọng, tình trạng dôi dư cán bộ... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cần quán triệt nghiêm các văn bản quy định nhưng cũng tránh cơ học máy móc.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y thì cho rằng: Sau sáp nhập, lượng cán bộ dôi dư không hề nhỏ, vì vậy tỉnh nên kiến nghị Trung ương về chính sách cán bộ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng lưu ý: Các địa phương phải nắm bắt và phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, chú trọng phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Biểu dương các huyện, thị bài bản, quyết liệt trong các bước thực hiện. Các địa phương cần giải trình rõ thêm về những thuận lợi, khó khăn sau sáp nhập; phân tích rõ những yếu tố đặc thù, sau khi sáp nhập thì đơn vị hành chính mới có đạt được tiêu chuẩn về dân số, diện tích hay chưa.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn biểu dương các huyện, thị xã đã triển khai bài bản, trách nhiệm và hiệu quả trong triển khai xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sắp xếp đơn vị hành chính xã là nội dung lớn, có những thách thức rất lớn, trong đó lớn nhất đó là sắp xếp cán bộ, đảm bảo sử dụng hiệu quả hạ tầng cơ sở đã có, tránh lãng phí... Vì vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội; tiếp tục phát huy trách nhiệm, quyết tâm cao nhất trong triển khai trên cơ sở đảm bảo hợp lòng dân và đạt mục tiêu của Nghị quyết.


Chiều nay, BTV Tỉnh ủy tiếp tục cuộc họp để nghe và cho ý kiến về phương án sáp nhập xã ở một số huyện khác.

Theo Thu Hà - Anh Tấn/baohatinh.vn