Không để lợi dụng, tiếp tay cho các thế lực chống phá cách mạng!

(Baohatinh.vn) - Nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề, bảo đảm an ninh trật tự, tránh gây hoang mang trong dư luận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa có những thông tin chính thức liên quan đến Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng...

Về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi tắt là Đặc khu) quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây là dự thảo Luật quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Mục đích của việc xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo thể chế đột phá, ưu đãi vượt trội, đủ sức cạnh tranh thu hút đầu tư với khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các đặc khu, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Luật, với tinh thần nghiêm túc, công phu, thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế, áp dụng phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới, chưa có tiền lệ nên một số nội dung của dự án Luật còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, ngày 11/6, Quốc hội đã biểu quyết lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về Luật An ninh mạng

Luật An ninh mạng quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và hoạt động bảo vệ an ninh mạng.

Mục đích việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật đồng bộ, khả thi. Phát huy các nguồn lực của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh…

Những xuyên tạc của thế lực thù địch, đối tượng cực đoan

Mặc dù dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Quốc hội bỏ phiếu thống nhất lùi lại với tỷ lệ 85,63%; Luật An ninh mạng được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 86,96%, nhưng các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước liên tục tuyên truyền, kích động.

Các trang mạng của các tổ chức khủng bố phản động có thái độ thù địch với Việt Nam đã công bố nhiều thông tin xuyên tạc nội dung các dự án Luật, tuyên truyền và kích động nhân dân biểu tình. Chúng bịa đặt, ngụy tạo nhiều tài liệu đăng tải tràn ngập trên internet gieo rắc vào nhận thức của những người nhẹ dạ thiếu thông tin như: xuyên tạc nội dung cho thuê đất 99 năm trong dự thảo Luật chỉ dành cho Trung Quốc, biến nội dung đang thảo luận thành nội dung đã được Quốc hội và Chính phủ quyết định; ngụy tạo bức ảnh chụp cột mốc biên giới có gắn chữ “tô giới”, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Các thế lực thù địch xuyên tạc dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ra đời chỉ bảo vệ chế độ, chứ không bảo vệ người dân; Luật An ninh mạng ra đời đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, dân chủ của nhân dân; chống lại cơ hội tiếp cận với thế giới văn minh của người dân Việt Nam…

Sự quan tâm, lo lắng của người dân về xây dựng các đặc khu và ban hành Luật An ninh mạng là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, do thiếu tỉnh táo, nhiều người dân đã có các hành động vi phạm pháp luật. Cụ thể: Ngày 9/6 - 11/6/2018, tại một số tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai được sự hậu thuẫn của tổ chức phản động Việt Tân, các đối tượng quá khích đã tổ chức các vụ tuần hành, biểu tình...

Nghiêm trọng nhất là ở tỉnh Bình Thuận, người biểu tình đã bao vây, tràn vào đập phá trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh, đốt phá một số xe ô tô, xe máy, chặn đường quốc lộ 1A, gây thương tích đối với lực lượng cảnh sát đang thi hành công vụ...

Ngày 9/6/2018, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện, tạm giữ Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi in ấn tài liệu, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình trái phép, gây rối an ninh trật tự.

Thời điểm bị bắt quả tang, Huệ đang rải tờ rơi tại Khu công nghiệp Sóng Thần, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cơ quan công an đã thu giữ hàng ngàn tài liệu kêu gọi người dân biểu tình, phản đối việc xem xét cho thuê đất làm đặc khu kinh tế. Tại cơ quan an ninh điều tra, Huệ thừa nhận làm theo sự chỉ đạo của các tổ chức phản động bên ngoài.

Ngày 10/6/2018, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã thu giữ nhiều băng rôn của công nhân, người lao động tụ tập tuần hành trái phép; tạm giữ một số người có hành vi lôi kéo người dân tham gia biểu tình. Ngày 11/6/2018, Công an tỉnh Bình Thuận đã tạm giữ 102 người đập phá trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành trên địa bàn.

Các đối tượng quá khích kích động người dân tụ tập đông người, gây rối trật tự xã hội khi bị lực lượng chức năng bắt giữ tỏ rõ thái độ hết sức hối lỗi và khai nhận, họ hành động vì đã nhận tiền của các tổ chức nước ngoài.

Quan điểm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội

Đảng, Chính phủ, Quốc hội đánh giá cao việc các tầng lớp nhân dân quan tâm góp ý, thảo luận, hiến kế, trong đó có việc phản biện xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh: "Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".

Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Trước khi thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi. Tư tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như nội dung của Luật đều thể hiện sự nhất quán, không phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của cử tri, ý kiến đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng ngày 11/6/2018, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết đồng ý lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trước tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kêu gọi người dân bình tĩnh, tránh những hành động quá khích, hãy tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước.

Một số nhiệm vụ thời gian tới

Dự báo, trong thời gian tới trên địa bàn Hà Tĩnh, các đối tượng phản động tiếp tục kích động người dân phản đối dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng; lợi dụng một số vướng mắc trong công tác giải quyết đền bù thiệt hại cho người dân ở các vùng biển... để kích động người dân tụ tập. Chúng sẽ tăng cường các hoạt động để phá hoại trên nhiều mặt trận, nhiều địa bàn; làm bất ổn tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Theo đó, đối với mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nhận thức rõ nội dung, ý nghĩa của dự thảo Luật Đơn vị hành chính, Luật An ninh mạng. Việc xây dựng đặc khu kinh tế và ban hành Luật An ninh mạng là xu thế tất yếu của thế giới trong nền kinh tế hội nhập và phát triển. Xây dựng các đặc khu kinh tế nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng trưởng hoạt động xuất khẩu, tạo sự đổi mới, chuyển giao công nghệ nhờ vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... Từ đó, nâng cao trình độ, tay nghề lao động, làm tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào 3 đặc khu kinh tế, phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được thuê đất, chứ không phải ban hành Luật để cho Trung Quốc thuê, càng không phải bán đất cho Trung Quốc như nhiều thông tin đã xuyên tạc.

Người dân phải hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hiểu rõ quan điểm chỉ đạo của tỉnh: sẽ xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kích động, lôi kéo nhân dân gây mất trật tự xã hội.

Cần nhận thức rõ, lòng yêu nước phải dựa trên cơ sở có hiểu biết pháp luật, nắm vững được bản chất của vấn đề. Cần tỉnh táo trước các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội và tờ rơi... Phải bình tĩnh, không để lợi dụng, kích động, tiếp tay cho các thế lực chống phá cách mạng...

(Theo tài liệu của BTG Tỉnh ủy Hà Tĩnh)
http://baohatinh.vn