Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố TBT Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố TBT Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”
“Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Đó là lời căn dặn của đồng chí Trần Phú trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931 tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Dẫu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng vẫn mãi mãi rạng ngời cùng lịch sử dân tộc. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, Kinh tế nông thôn xin được giới thiệu đôi nét về người con ưu tú của đảng.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Nguyên quán ông ở làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Cha ông, cụ Trần Văn Phổ, từng đỗ Giải nguyên (thời gian làm Giáo thụ Tuy An đã sinh ra ông tại đây). Mẹ là bà Hoàng Thị Cát, người làng Tùng Ảnh. Từ thuở thiếu thời, Trần Phú là người thông minh lại cần cù học hỏi. Từ trong nhà trường, Trần Phú tỏ ra là người sớm có chí hướng vì nghĩa nước, tình nhà.
 
 Khu di tích Trần Phú tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ)
 
Ngày 18/4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champane, Sài Gòn. Chính quyền thực dân tìm cách dụ dỗ, tra tấn một cách tàn bạo để khai thác thông tin, nhưng với chí khí kiên cường, đồng chí không bị khuất phục, dù bị đày ải nhiều lần. Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú qua đời tại Nhà thương Chợ Quán ở tuổi 27. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Trần Phú căn dặn: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.Ngày 12/1/1999, hài cốt của đồng chí Trần Phú được đưa về an nghỉ tại quê hương Đức Thọ. Toạ lạc trên một khuôn viên rộng gần 7ha ở khu vực đồi Quần Hội, thôn Châu Linh, xã Tùng Anh. Là một nơi có địa thế đẹp, sông núi hữu tình. Bên núi Tùng Lĩnh, trước bến Tam Soa (ba giải lụa), nơi hội tụ của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố,  từ thượng nguồn các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang tạo nên dòng sông La thơ mộng, một trong những con sông lớn đã từng đi vào huyền thoại thơ ca từ ngàn đời nay, nay lại trở thành địa chỉ đỏ tâm linh cho các thế hệ trở về với cội nguồn. Phía trước mộ là hàng chữ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
 
Những ngày này về Tùng Ảnh, Đức Thọ xã nông thôn mới đầu tiên của Hà Tĩnh không khí rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Trần Phú đang ngập tràn trên các con đường, ngõ xóm cờ hoa đỏ rực. 
 
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Tùng Ảnh nói riêng, Đức Thọ nói chung luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong phát triển KT-XH, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Người dân Đức Thọ luôn vinh dự, tự hào về Cố Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, người con yêu dấu của quê hương Đức Thọ. Để xứng đáng với lời dặn dò của Người trong cuộc chiến đấu chống nghèo nàn, lạc hậu. Về thăm Tùng Ảnh hôm nay ta có thể tự hào về quê hương đổi mới, những con đường khang trang, những ngôi nhà kiểu mẫu dáng quê kiêu hãnh soi bóng bên bờ La Giang. Sự đổi thay kỳ diệu đó đã mang lại cho mảnh đất giàu truyền thống Anh hùng cách mạng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 
 
Bến Tam Soa - nơi gắn liền với vùng địa linh sinh ra nhiều nhân kiệt
 
Một Tùng  Ảnh, một làng Khoa bảng hôm nay vẫn còn đó truyền thống hiếu học, đức cần cù, chịu khó với dòng máu nghĩa khí của những người con yêu nước. Sông La dào dạt, tình làng nghĩa xóm càng mặn nồng... Diện mạo Tùng Ảnh, một xã nông thôn mới đang hiện hữu với những nét khỏe khoắn, hiện đại xứng đáng  là quê hương Tổng Bí thư Trần Phú.
 
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” - lời dặn của đồng chí Trần Phú 82 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng là lời nhắc nhở cho muôn thế hệ chúng ta hãy kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - một nguyên tắc cơ bản theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã chọn.
 
Anh Bình – Trà Giang

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn