Lạc xuân được mùa, được giá
- Thứ sáu - 19/06/2015 23:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vụ xuân 2015, gia đình bà Lê Thị Yến (xóm Xuân Hòa, xã Thạch Bằng - Lộc Hà) sản xuất hơn 1 mẫu lạc. Thời tiết nắng ấm từ đầu vụ đã tạo điều kiện để gia đình xuống giống đúng khung lịch, lạc sinh trưởng và phát triển tốt.
Bà Yến cho biết: “So với nhiều địa phương thì tập quán của vùng này thường làm sớm hơn, chúng tôi xuống giống từ trước tết nên cây lạc “thoát” được mấy đợt mưa, rét giữa vụ. Tính ra, năng suất đạt khoảng 1,5-2 tạ/sào. Mặc dù hạn hán kéo dài, chúng tôi phải dùng cào để xới mới thu hoạch được nhưng đổi lại, giá lạc năm nay khá hơn năm ngoái nhiều. Thu hoạch xong, qua một lần phơi là có thể bán với giá 23-24 nghìn đồng/kg, cao hơn năm ngoái 7-8 nghìn đồng/kg”. Cũng theo bà Yến, trên địa bàn xã có đến 5-6 cơ sở chuyên thu gom lạc, thế nên, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.
Mặc dù gặp khó khăn trong khâu thu hoạch vì hạn hán kéo dài nhưng vụ lạc xuân 2015 vẫn được đánh giá là thắng lợi đối với bà con xã Thạch Bằng (Lộc Hà). |
Lộc Hà là một trong những vựa lạc lớn nhất tỉnh, mỗi vụ chính, địa phương này sản xuất ổn định trên 1.300 ha. Tiếp tục khai thác thế mạnh này của vùng, nhiều xã xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho cây hàng hóa số 1 này, nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Chiến lược tiếp sức này nhằm tạo tâm lý yên tâm cho người dân “bám” cây chủ lực. Vụ xuân 2015, huyện cơ cấu 80% diện tích giống L14, L23 với năng suất bình quân đạt 24,46 tạ/ha, nằm vào “top” đầu toàn tỉnh.
Miền núi Vũ Quang những ngày đầu tháng 6 nắng cháy lưng người. Những đồng lạc chang chang giữa hạn hán, cứ ngỡ chẳng còn cách nào để thu hoạch vì đất đã bị nắng nung thành đá. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không quật ngã được ý chí của người nông dân trước thành quả lao động của mình. Khuôn mặt chan đầy mồ hôi, chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 5, xã Đức Đồng) cho biết: “Tôi phải bơm tưới nước để đất mềm ra mới thu hoạch được, nếu để như vậy, khi nhổ lên sẽ đứt hết gốc. Cả mùa gieo hạt, một ngày hái quả, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng được cái củ sáng màu, chắc lắm. 4 sào, tôi thu về trên 6 tạ. Mừng nhất là thu hoạch về có người tới hỏi mua ngay, kể cả lạc tươi, lạc khô”.
Chiếm thế “thượng phong” phải kể đến Nghi Xuân khi địa phương này đạt năng suất 25,32 tạ/ha. Tuy không thể vượt qua kết quả của vụ xuân 2014 nhưng rõ ràng, đây là con số khá ấn tượng đối với mùa sản xuất không nhiều thuận lợi như năm nay. Ông Lê Anh Đức - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Vào giai đoạn phát triển quan trọng nhất của lạc (phân hóa cành và mầm hoa) thì đồng lạc gặp mưa lớn. Thời tiết ẩm ướt kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất của toàn huyện.
Tuy nhiên, trên 1/2 diện tích (trong tổng số hơn 2.000 ha) nằm vào vùng lạc cồn (đất cát cao) nên không bị ảnh hưởng bởi trận mưa cuối tháng 4, năng suất đạt 26 tạ/ha. Bên cạnh đó, năm nay, ngoài giống lạc chủ lực L14 thì huyện thực hiện một số giống cao sản L20, TK10 có năng suất vượt trội, nhờ đó, đã “đẩy” năng suất bình quân”. Thêm một nguyên nhân khiến năng suất lạc vụ xuân của Nghi Xuân giữ được “phong độ”, không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán là người dân đã chủ động thu hoạch sớm. Khi lá bắt đầu khô ngọn, bà con đã nhổ lấy hạt tươi, vì đầu mùa nên rất được giá.
Đến thời điểm này, cơ bản diện tích lạc xuân của toàn tỉnh đã thu hoạch xong. Theo đánh giá của ngành chuyên môn thì đây là mùa lạc đạt kết quả khá toàn diện, năng suất đạt 23,38 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1,29 tạ/ha. Điều đáng nói, năm nay, sự đối trọng giữa những địa phương có ưu thế và vùng bất lợi không còn quá “khập khiễng”. Năng suất khá đồng đều, trong khi nhóm vượt bình quân toàn tỉnh chiếm ưu thế 8/12 huyện thì nhóm dưới “sàn” này chỉ còn lại số ít, chủ yếu nằm trong vùng bị ảnh hưởng của trận mưa cuối vụ hồi tháng 4.
Vui mừng là thế, song trong lòng người nông dân vẫn luôn canh cánh nỗi lo con đường tiêu thụ. Bởi, dù có thế mạnh về cây hàng hóa số 1 này nhưng nền sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống. Gần như chưa có một mô hình liên kết khép kín nào cho chuỗi sản phẩm lạc tạo được tiếng vang lớn. Thế nên, người nông dân vẫn phải thấp thỏm: nên giữ lại chờ giá lên hay bán hết một lúc? Bán thì tiếc, giữ lại chẳng may ít hôm “rớt giá” lại càng đau lòng hơn!
Nguyễn Oanh - Thúy Ngọc
theo baohatinh