Làm mới nông thôn mới

Làm mới nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội chọn để tập trung thực hiện cho giai đoạn năm năm tới (2016-2020) thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây.
 

Làm mới nông thôn mới

Nông thôn vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Đó là chủ trương đúng đắn, nhằm giải quyết những vấn đề chiến lược và nhiệm vụ cấp thiết hiện nay trong xu thế hội nhập, cạnh tranh, giải quyết vấn đề cốt lõi nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kèm theo quyết sách là nguồn lực vật chất, với tổng mức vốn được bố trí cho chương trình từ ngân sách tối thiểu là 193.155,6 tỉ đồng (tương đương 9 tỉ đô la Mỹ). Trong đó, ngân sách trung ương chi 63.155,6 tỉ đồng và ngân sách địa phương 130.000 tỉ đồng.

Cần khẳng định rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới năm năm qua đã tạo ra những “điểm sáng” có sức lan tỏa, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa, giáo dục, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân. Song, đó mới là kết quả bước đầu, còn nhiều “điểm nghẽn” cũ và thách thức mới cần nỗ lực mới để vượt qua.

Nông thôn mới giai đoạn 2 sẽ cần tạo ra “cốt vật chất” và “hồn tinh thần” cho nông thôn chứ không chỉ là việc tiêu tiền bằng các dự án đầu tư hạ tầng nông thôn như vừa qua.

Phải thừa nhận, tiến độ triển khai xây dựng nông thôn mới còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Công tác quy hoạch, lập kế hoạch phát triển xã nông thôn nhiều nơi còn nặng tính hình thức, làm đại trà, “nhân bản”; bị rào cản “ranh giới hành chính xã, huyện, tỉnh” làm mất không gian kinh tế vùng, thiếu tính kết nối giữa nông thôn và đô thị, dẫn đến không gian nông thôn truyền thống đang bị phá vỡ, mất đi tính đặc thù với các giá trị bản sắc văn hóa, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường gia tăng. Kinh tế nông thôn phát triển nhưng thiếu tính bền vững, thiếu việc làm ổn định. Cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng, chưa quan tâm đặc thù nông thôn mang tính vùng, miền.

Mục tiêu cụ thể của chương trình trong năm năm tới, đến năm 2020 cả nước đạt 50% số xã nông thôn mới, gấp 2,5 lần so với chỉ tiêu 20% số xã nông thôn mới năm năm qua là một thách thức lớn. Nông thôn mới giai đoạn 2 sẽ khó hơn nhiều giai đoạn khởi động, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, huy động vốn, phát huy nội lực, cách làm thực chất trong phát triển kinh tế, tạo ra “cốt vật chất” và “hồn tinh thần” cho nông thôn chứ không chỉ là việc tiêu tiền bằng các dự án đầu tư hạ tầng nông thôn như vừa qua.

Xây dựng nông thôn mới phải thực sự là “cuộc cách mạng ở nông thôn”. Việc đạt tiêu chí là yêu cầu bắt buộc để được công nhận theo chuẩn quốc gia. Nhưng trên hết vẫn là đời sống của người dân, môi trường nông thôn văn minh, đáng sống và phát triển bền vững. Phải khắc phục cho được những cách làm không thực tế, hình thức, xu thế phong trào hóa trong xây dựng nông thôn mới. Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sát hợp với thực tế, nhất là những thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước tác động của hội nhập kinh tế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Đích đến của nông thôn mới vẫn còn đang ở phía trước. Nông thôn mới thực sự phải là một môi trường đáng sống, được đo lường bằng sự hài lòng của người dân hơn là những tiêu chí mang tính kỹ thuật. Yêu cầu đó, phụ thuộc vào kết quả sáng tạo của quá trình lãnh đạo “cuộc cách mạng ở nông thôn”, vận động quần chúng, phát huy vai trò làm chủ của người dân. Năm 2020 khi Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển” cũng chưa phải là cái đích cuối cùng trong xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới vẫn phải tiếp tục được “làm mới”.

(*) Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ

Theo thesaigontimes.vn