Lan tỏa thành công của dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh
- Thứ năm - 27/09/2018 07:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh do Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ với tổng nguồn vốn 209,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ODA chiếm 182,551 tỷ đồng, vốn đối ứng 27,049 tỷ đồng.
Dự án được triển khai trong giai đoạn từ năm 2011 – 2018 với mục tiêu mở rộng các cơ hội phát triển kinh tế cho nam giới và phụ nữ nông thôn nghèo tại Hà Tĩnh. Đến nay, dự án đã giải ngân 218,454 tỷ đồng (đạt 104,22%).
Sau 7 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ Hà Tĩnh phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chuỗi giá trị: sản phẩm lúa (mô hình chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ ở Đức Thọ), sản phẩm chè (phát triển vùng nguyên liệu chè ở Kỳ Anh cho Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh), sản phẩm rau (mô hình sản xuất bí ngô liên kết với đơn vị thu mua ở Thạch Lưu – Thạch Hà), sản phẩm lợn (mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ dưới hình thức HTX liên kết theo chuỗi giá trị).
Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, dự án cũng giúp Hà Tĩnh xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ. Trong 7 năm, dự án đã hỗ trợ xây dựng 38 công trình giao thông, thủy lợi tại 13 xã của 3 huyện: Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh.
Ngoài đóng góp lớn vào phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, dự án còn góp phần nâng cao năng lực quản lý công trong việc triển khai chương trình phát triển nông nghiệp thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, tham quan học tập...
Bên cạnh những hợp phần thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Hà Tĩnh, dự án cũng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và hoạt động lồng ghép môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận, cảm ơn Đại sứ quán Canada đã đồng hành, tài trợ địa phương thực hiện dự án trong thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Sau 7 năm triển khai dự án, chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó, dự án đã đạt được mục tiêu toàn diện ở cả 3 hợp phần: Phát triển sản xuất, hạ tầng và năng lực quản lý. Quan trọng hơn nữa, dự án nằm trong chiến lược phát triển chung của tỉnh. Khi xây dựng dự án, chúng ta chọn 13 xã nghèo được hưởng lợi. Sau 7 năm, 9/13 xã được hưởng lợi từ dự án đã đạt chuẩn NTM.
Tổng kết không có nghĩa là khép lại dự án, vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục kiên trì trong tổ chức sản xuất các mô hình theo chuỗi giá trị, phát huy năng lực quản lý để tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường. Từ hội nghị tổng kết, các địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện, triển khai các hành động cụ thể, tiến tới lan tỏa thành công của dự án. Ngoài ra, Ban quản lý dự án cần tổ chức nghiệm thu, đánh giá, quyết toán dự án theo đúng quy trình".
Theo baohatinh.vn