Lễ hội Cam Hà Tĩnh lần thứ 2 dự kiến diễn ra giữa tháng 12/2018
- Thứ tư - 07/11/2018 18:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất – năm 2017 để lại nhiều dấu ấn trong các đại biểu và khách hàng gần xa
Dự kiến tại lễ hội năm nay có khoảng 60 gian hàng trưng bày cam và nông sản cùng với các hoạt động bổ trợ, trong đó, cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh dự kiến 40 gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm từ địa phương trong tỉnh; các loại sản phẩm khác 20 gian hàng.
Ngoài cam là sản phẩm chủ đạo (được trồng từ các địa phương trong tỉnh, tập trung tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh), lễ hội còn có sự góp mặt của các sản phẩm trái cây đặc sản khác: Bưởi, quýt, chanh, hồng, ổi; các sản phẩm đặc sản, thủy hải sản, lâm sản, nông sản; các mặt hàng vật tư nông nghiệp, cây giống phục vụ sản xuất...
Tham gia lễ hội năm nay sẽ có các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh cam và nông sản có giá trị cao trong toàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể các địa phương tham gia trưng bày bán các sản phẩm tiêu biểu; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị, phân bón hữu cơ, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV và thú y, thức ăn chăn nuôi, hoa cây cảnh; các nhà bán buôn, bán lẻ là các siêu thị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số đơn vị tỉnh bạn tham gia gian hàng nông đặc sản.
Tham gia lễ hội năm 2017 có 28 đơn vị, với 86 gian hàng đến từ các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đơn vị.
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu, chất lượng ngon nổi tiếng của cam Hà Tĩnh và một số nông sản, đặc sản của các địa phương đến với đông đảo người dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cam và các sản phẩm nông sản của tỉnh; kích cầu tiêu dùng cam và một số nông sản đặc sản của Hà Tĩnh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Việc tổ chức Lễ hội là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm, bảo tồn giống cây quý, chuyển giao KHKT, công nghệ áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chế biến nông sản; tạo mối liên kết, kết nối chuỗi giá trí từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và nhận dân ừong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các đặc sản nông sản Hà Tĩnh.
Theo H.X/Bao Ha Tinh.vn