Lộc Hà: Lộc biển giữa ngày xuân

Lộc Hà: Lộc biển giữa ngày xuân
Về với Lộc Hà những ngày đầu năm mới chứng kiến một không khí lao động hăng say: trên những cánh đồng bà con nông dân ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng, làm đất, xuống giống hứa hẹn một mùa vàng bội thu; đối với những ngư dân, tình yêu biển, chinh phục biển và trọn vẹn nghĩa tình với biển của những tổ nhóm, nghiệp đoàn nghề cá… Lộc biển giữa ngày xuân, dường như, đó không đơn thuần chỉ là miếng cơm manh áo, là sự đủ đầy của mỗi gia đình, sự đợi chờ, trông ngóng của mỗi người vợ, người mẹ… mỗi người dân Lộc Hà vươn khơi bám biển còn như bởi chính họ là những cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.


 

Tintuchatinh
 
Nhìn những con tàu rẽ sóng ra khơi, những khoang thuyền đầy ắp cá tôm, những ngư dân với nụ cười rám nắng, mãn nguyện khi thuyền về cập cảng. Với họ, không có niềm vui nào bằng, không có niềm hạnh phúc nào hơn thế. Sau chuyến lênh đênh dài ngày trên biển tàu cá ông Lương Hồng Hải – xã Thạch Kim và các thuyền viên khác vừa cập cảng Cửa Sót vào một buổi sớm mai ngày đầu năm 2016 đều cho những mẻ lưới bội thu. Đây là thời điểm thuận lợi, trời yên biển lặng, nên việc ra khơi đánh bắt của ông và nhiều tàu bạn đều gặp nhiều may mắn.
Được tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, cũng như các cơ chế chính sách khác, ngư dân ngày càng có điều kiện hơn, yên tâm hơn để vươn khơi, bám biển dài ngày trên những vùng biển, những ngư trường lớn. Những năm trước, chi phí nguồn nhiên liệu chiếm từ 70 – 80% tổng chi phí trong mỗi chuyến ra khơi, thậm chí nhiều lúc còn dẫn đến thua lỗ, tạo tâm lý chán nản, khiến tàu phải nhiều lần nằm bờ. Thời gian gần đây, việc xăng dầu liên tục giảm giá đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân. Với ông Trần Xuân Sinh – thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng và ngư dân trong xã đều hăng hái ra khơi, mở khoang thuyền đón “lộc”. Nhiều đời gắn liền với biển nhưng trước đây ông Sinh cũng như nhiều người dân trong xã Thạch Bằng chỉ biết gắn bó với những chiếc thuyền nhỏ, khai thác gần bờ, còn giờ đây, ông đã là chủ nhân một con tàu có mã lực lên đến 105 CV; như ông Trương Quang An tại thôn Xuân Phượng, Thạch Kim, ông Nguyễn Văn Hướng – thôn Trung nghĩa, ông Ngô Văn Hiếu – thôn Phú Mậu, Thạch Bằng đều có trong tay những con tàu đóng mới với công suất trên 130 CV, có chiếc lên tới 250 CV.  Cũng từ những con tàu này, giờ đây họ đã không còn giới hạn trong những ngư trường truyền thống mà có thể vươn khơi bám biển dài ngày với những sản phẩm mang lại giá trị cao từ biển. Những con tàu được cải hoán đóng mới, phần lớn các ngư dân đều mạnh dạn đẩy mạnh tuyến khơi, giảm tuyến lộng, đa dạng nghề như: vây, câu, dạ kéo, bóng óc ghẹ, te, đáy…
 
Đến với vùng biển Lộc Hà những ngày đầu năm, không khó để gặp được những ngư dân như thế trong mỗi chiều cập cảng. Chính họ là những nhân tố hết sức quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế huyện nhà. Với những bước đi vững chắc, những chính sách hỗ trợ hợp lý, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho cư dân biển. Chỉ trong mấy năm qua, riêng việc hỗ trợ cải hoán, đóng mới 61 tàu cá công suất trên 90CV với tổng kinh phí huyện hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, nâng tổng số tàu thuyền trên địa bàn lên 310 chiếc, từ đó không ngừng nâng cao sản lượng đánh bắt. Chỉ riêng năm 2015 tổng sản lượng đánh bắt đạt 4.400 tấn, tăng 10% so với năm 2014. Đầu năm 2016, chỉ riêng 7 ngày đầu năm, một số tàu cập Cảng đã cho sản lượng trên 50 tấn cá các loại. Đặc biệt năm nay đang có nhiều tín hiệu vui về một năm được mùa ruốc. Chỉ với mấy ngày đầu năm đã cho sản lượng lên đến 25 tấn.
Cũng từ đây, nhiều cơ sở, làng nghề có thương hiệu được đầu tư và phát triển bền vững, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Lộc Hà hiện đang có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá đồng bộ với một cảng cá, cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim và hệ thống kho cấp hoạt động khá hiệu quả. Tổng sản lượng hàng thủy sản thu mua qua kho cấp đông, chợ đầu mối ở cảng cá Cửa Sót, Thạch Kim hàng năm đạt trên 7.000 tấn. Ngư dân Lộc Hà giờ đây không còn phải âu lo vì những áp lực mỗi lần tàu về. Việc tu sửa máy móc, tàu thuyền,  có các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đảm nhận qua bàn tay những người thợ lành nghề; các sản phẩm đánh bắt được thu mua nhanh chóng, ngay cả phụ phẩm cũng được Nhà máy chế biến bột cá Thiên Phú thu mua khi tàu vừa cập cảng…
Với ngư dân Lộc Hà, hơn ai hết họ hiểu được giá trị và biết trân trọng những món quà diệu kỳ từ thiên nhiên ban tặng trong hành trình chinh phục nơi miền “biển bạc”. Với họ, đẩy mạnh khai thác hải sản đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ không chỉ nâng cao thu nhập, mà quan trọng còn là việc thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
Phan Văn Nhàn – Phó Chủ tịch UBND huyện
Nguồn bài viết : Lộc Hà