Luân chuyển cán bộ huyện về giúp xã làm nông thôn mới

Luân chuyển cán bộ huyện về giúp xã làm nông thôn mới
Luân chuyển cán bộ cấp huyện về xã để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương làm nông thôn mới (NTM), bước đột phá trong công tác cán bộ này đã được nhiều địa phương ở Hà Tĩnh thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Ở hầu hết các địa bàn cơ sở, vai trò của cán bộ được luân chuyển từ huyện đã được khẳng định rõ nét, không chỉ đưa xã sớm thực hiện được các tiêu chí NTM mà còn góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị địa phương.

luan chuyen can bo huyen ve giup xa lam nong thon moi

Đồng chí Phạm Tiến Nam (ngoài cùng bên trái) - người được huyện Thạch Hà điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê luôn trăn trở, sâu sát cơ sở kiểm tra, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Vận động khéo, kéo người dân vào cuộc

Tháng 3/2016, Chủ tịch LĐLĐ huyện Bùi Ngọc Nhật được BTV huyện Đức Thọ điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Yên - đơn vị đang có những khó khăn về nhân sự lãnh đạo trong khi theo kế hoạch đến cuối năm sẽ đạt chuẩn NTM.

“Để đạt được mục tiêu cuối cùng một cách sớm nhất, trước hết, công tác vận động quần chúng phải được đặt lên hàng đầu. Trong xây dựng NTM, người dân là chủ thể. Vì vậy, có tạo được sự đồng thuận, có lôi cuốn được sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, thì mới đưa được các tiêu chí NTM đạt chuẩn một cách vững chắc” - ông Nhật chia sẻ.

Sau những ngày cùng ăn, cùng ở, tìm hiểu kỹ địa bàn, có tới 70% dân số là đồng bào công giáo, việc đầu tiên trong “chiến lược dân vận” của Chủ tịch UBND xã là tạo sự hài hòa, đồng thuận giữa việc đạo và việc đời, phát huy được tinh thần “kính Chúa, yêu nước” của bà con giáo dân. Bởi vậy, ngay sau khi nhậm chức, tân chủ tịch đã hẹn gặp cha xứ để chuyện trò, trao đổi và tranh thủ sự đồng tình của người đứng đầu giáo xứ, của ban hành giáo và bà con giáo dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của xã.

luan chuyen can bo huyen ve giup xa lam nong thon moi

Người dân Thạch Khê chỉnh trang vườn hộ xây dựng NTM

Trong quá trình phối hợp hoạt động, mối quan hệ với các chức sắc, chức việc trong giáo xứ được chính quyền xã quan tâm xây dựng bằng sự hiểu biết, chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Nhờ đó, quá trình điều hành, thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, sự gắn kết giữa chính quyền với giáo xứ khá bền chặt. Bà con giáo dân xã Đức Yên đã tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM. Từ kết quả 9 tiêu chí đạt ở thời điểm mới về nhận nhiệm vụ, chỉ trong vòng 7 tháng, Chủ tịch Bùi Ngọc Nhật cùng với các đồng chí trong BTV Đảng ủy đã lãnh đạo nhân dân xã Đức Yên hoàn thành 20 tiêu chí NTM.

Điều khiến cán bộ, nhân dân Đức Yên “tâm phục, khẩu phục” là trước khi đưa ra những quyết sách, Chủ tịch Bùi Ngọc Nhật đều dành thời gian tìm hiểu kỹ và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời, tranh thủ trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ thôn xóm. Trưởng thôn Hùng Dũng - Nguyễn Viết Huệ chia sẻ: “Điều khiến tôi nể phục vị chủ tịch xã được điều động từ huyện về, đó là cứ ngoài giờ hành chính, anh chịu khó đến khắp các thôn xóm để gặp gỡ, trò chuyện với người dân; trong giải quyết công việc rất cụ thể, đã nói là làm và làm gì cũng hướng tới người dân. Cách dân vận của chủ tịch UBND xã đã thực sự kéo được đội ngũ cán bộ thôn xóm chúng tôi và toàn thể nhân dân vào cuộc thực hiện chương trình xây dựng NTM”.

Mở lối tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo

Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo là câu chuyện về cán bộ trẻ Phạm Tiến Nam - người được huyện Thạch Hà điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê với mục đích xốc lại các phong trào, giúp địa phương sớm về đích NTM.

“Một trong những hạn chế lớn nhất cản trở kết quả thực hiện nhiệm vụ địa phương mà tôi nhận ra khi về nhận công tác tại cơ sở đó là vai trò của đảng ủy, bí thư đảng ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình NTM chưa được phát huy; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng còn thiếu bài bản và khoa học. Vì vậy, tôi đã bàn bạc, thống nhất với các đồng chí trong BTV Đảng ủy xây dựng kế hoạch công tác của cấp ủy cụ thể, khoa học trên cơ sở cụ thể hóa nghị quyết của BCH Đảng ủy hàng tháng. Kế hoạch này phần lớn nội dung đều tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương” - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê trao đổi.

luan chuyen can bo huyen ve giup xa lam nong thon moi

Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Đức Yên (Đức Thọ) mang lại thu nhập cao cho các xã viên.

Bí thư Đảng ủy trẻ cũng đã chủ động bàn bạc để BTV Đảng ủy ra quyết định thành lập 8 đoàn công tác chỉ đạo cơ sở, đồng thời, gắn mức độ hoàn thành nhiệm vụ cho các đảng ủy viên phụ trách với kết quả phong trào của từng thôn. Đồng tình, đánh giá cao kết quả từ cách làm này, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê Lưu Xuân Đồng cho biết: “Các đoàn công tác đã đưa cán bộ gần dân hơn, cọ xát với thực tiễn hơn, hiểu việc, biết cách làm việc hơn, trưởng thành hơn và dân tin tưởng hơn. Từ đó đã khơi được sức dân trong xây dựng NTM”. Các bí thư chi bộ trong xã cũng cho rằng: Từ sự đổi mới trong lãnh đạo của Đảng ủy xã, các chi bộ đã triển khai xây dựng kế hoạch và bám sát khung kế hoạch để chỉ đạo thôn thực hiện từng phần việc trong chương trình xây dựng NTM.

Phương thức lãnh đạo bài bản này chính là nền tảng để Thạch Khê đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM. Hàng tuần, qua cuộc giao ban toàn thể cán bộ, công chức, bán chuyên trách do đồng chí Bí thư Đảng ủy chủ trì, từng tiêu chí, phần việc cụ thể được soát xét và chỉ đạo bổ cứu kịp thời. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê chia sẻ: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng ủy xã Thạch Khê đã thường xuyên tạo điều kiện, động viên chính quyền thực hiện nghị quyết; cấp ủy sát cánh với chính quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng không lấn sân, bao biện”.

Đúc kết cách làm

Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Vũ Quang là những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đều đã sớm có chủ trương điều động, biệt phái cán bộ huyện về cơ sở làm NTM. Chủ trương này được đưa ra bàn bạc và thống nhất trong BTV cấp huyện và được cụ thể hóa thành những quyết định, quy định.

Trong đó, quy định rõ đối tượng nằm trong diện điều động, các chế độ, chính sách về tài chính cũng như đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ huyện về cơ sở. Từ đó, đội ngũ cán bộ cấp huyện được chuẩn bị tư tưởng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, xem đây là trách nhiệm cũng như cơ hội để rèn luyện và trưởng thành.

luan chuyen can bo huyen ve giup xa lam nong thon moi

Nhờ thay đổi bộ máy lãnh đạo chủ chốt, năm 2016, xã Đức Yên (Đức Thọ) đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cán bộ huyện về cơ sở chỉ đạo thực hiện chương trình NTM, mỗi người có cách làm riêng dựa trên đặc điểm, yêu cầu đặc thù của mỗi địa phương, tuy nhiên, kinh nghiệm chung đó là: Bám sát cơ sở, nắm chắc công việc tất cả các lĩnh vực của Đảng, chính quyền, đoàn thể và dựa vào chủ trương, chính sách để chỉ đạo; quyết liệt, gương mẫu, đi đầu, hăng hái trong công tác; gần gũi, giúp đỡ, lắng nghe những trăn trở, kiến nghị của nhân dân; chia sẻ, động viên đối với đội ngũ bí thư, trưởng thôn; tranh thủ trí tuệ, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên cao tuổi, hưu trí để làm chỗ dựa cho việc lãnh đạo, chỉ đạo; biết động viên, khích lệ cán bộ cấp dưới; khen đúng, trúng; phê bình rõ ràng, đúng người, đúng lỗi…

Những kinh nghiệm này đã và đang được đúc kết để trở thành bài học trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở cũng như chỉnh đốn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương.

Mai Thủy – Thanh Hoài

(Còn nữa)
http://baohatinh.vn/