Mất an toàn lưới điện nông thôn: Báo động "đỏ"!
- Thứ hai - 06/10/2014 20:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguy cơ từ dây, cột
Mặc dù việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý đã được thực hiện từ năm 2009, song, do đường dây hạ áp, trạm biến áp được đầu tư xây dựng đã lâu, không đồng bộ, công tác duy tu, bảo dưỡng hạn chế, nên nguồn điện yếu, khiến người sử dụng gặp không ít khó khăn.
Cột điện xiêu vẹo, dây trần rà mặt đất nên thường xuyên bị chập điện |
Dọc các tuyến đường nông thôn, không hiếm những hình ảnh đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo như “mạng nhện”. Nhiều đường dây do các cột điện nghiêng ngả, gãy đổ, nằm sát bụi cây hoặc mái nhà dân, có cả đường dây điện mắc sát mặt nước, tiềm ẩn nguy cơ điện giật rất cao. Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn. Nhiều cột được làm từ tre, gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo, có thể đổ bất cứ lúc nào, thậm chí, có cột điện bằng bê tông gãy ngang thân nhưng vẫn chưa được thay thế. Việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện bằng nhiều loại dây không đủ trọng tải, treo mắc công tơ lộn xộn, sử dụng cây cối, cọc tre để dẫn điện là một trong những nguyên nhân làm lưới điện nông thôn trở nên “đáng sợ” hơn gấp bội.
“Các dự án chỉ tài trợ đến trước công tơ của điện hạ áp nên để có điện sử dụng, chúng tôi phải tự đầu tư. Tuy nhiên, nguồn điện chập chờn. Chỉ một trận gió là chập điện, có khi dây điện đứt rơi xuống đường rất nguy hiểm, nhưng để đầu tư dây tốt hơn thì không đơn giản” - ông Lê Văn Cát (Phú Lộc, Can Lộc) chia sẻ.
Hộp công tơ hư hỏng trầm trọng nhưng vẫn chưa được thay mới |
Hình ảnh hàng chục công tơ “chen chúc” trên cột cũng làm không ít người lo ngại. Điều đáng nói hơn, những cột điện có công tơ đeo bám lại nằm sát nhà dân, là mối nguy hiểm thường trực bởi sự cố chập điện, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có những công tơ nằm cách mặt đất chưa đầy 1m, đúng tầm với của trẻ em và rất nguy hiểm cho người khi qua khu vực này.
Cần sự “hợp lực”
Sau 5 năm triển khai bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, đã có 218 xã hoàn thành, nâng tổng số xã ngành điện quản lý, bán điện trực tiếp lên 250/262 xã, phường, thị trấn. Khối lượng tài sản giao nhận gồm: 35.115 km đường dây trung áp; 52 trạm biến áp và 4.744,2 km đường dây hạ áp. Sau khi tiếp nhận, ngành điện đã đầu tư 1.491,51 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, cải tạo lại hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, do yếu tố địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, khó khăn về nguồn vốn... nên việc đầu tư xây dựng, cải tạo, vận hành lưới điện ở tỉnh ta vẫn gặp không ít khó khăn.
Phần dây sau công tơ thuộc tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. |
Ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Từ khi tiếp nhận lưới điện nông thôn, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã đầu tư mới hàng nghìn cột, dây và công tơ, đồng thời ký lại hợp đồng với các đơn vị, cá nhân sử dụng điện. Bên cạnh đó, tiến hành xử lý những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn tại các đường dây trước công tơ”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, dù đã đầu tư sửa chữa nhưng do khối lượng công việc lớn nên lưới điện nông thôn hiện nay rất kém, chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật an toàn. Các dây dẫn sau công tơ khách hàng chưa đảm bảo chất lượng, quy định của ngành điện. Phần dây sau công tơ thuộc tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. Nhiều hộ vẫn sử dụng dây điện cũ, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Mặc dù đã được ngành điện nhắc nhở nhưng người dân chưa hợp tác chặt chẽ”.
Được biết, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng hành lang an toàn lưới điện trước mùa mưa bão; nâng cấp các hạng mục đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng điện nông thôn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Sở Công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện một cách an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lưới điện nông thôn, người sử dụng cần nâng cao nhận thức, chấp hành đúng các quy định của ngành điện.
Thành Chung - Thu Hà
theo baohatinh.vn