Mùa cam
- Chủ nhật - 26/01/2014 21:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu hoạch cam ở Khe Mây. (Ảnh: Đức Chiến) |
Dường như, năm nào cũng vậy, mỗi độ tết đến, người trồng cam Hà Tĩnh lại háo hức đợi chờ với bao tâm trạng. Từ miền sơn cước xa xôi đến vùng trà sơn, miền đồng bằng, cây cam Hà Tĩnh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của nhiều vùng miền, là ước mơ và quyết tâm đổi đời của nhiều bà con. Không ít nông dân nghèo khó đã tự tin từ bàn tay làm nên tất cả, biến những vườn hoang đồi hóa thành vườn cây ngọt ngào hoa trái.
Về với 7 xã vùng trà sơn của huyện Can Lộc, từ Sơn Lộc, Mỹ Lộc đến Gia Hanh, Phú Lộc... đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những vườn cam đang vào độ chín đẹp nhất trong năm. Đặc biệt, tại Thượng Lộc, hơn chục năm nay, cây cam đã và đang thực sự trở thành đặc sản đưa lại nhiều đổi thay cho vùng quê một thời được coi là nơi rú rừng lạc hậu... Từ cam đường, cam V2, cam giống Xã Đoài đều được người dân biết đến với tép mọng nước, có vị ngọt riêng và mẫu mã đẹp. Trong tổng thể 350 ha quy hoạch đã có đến 40 ha cho thu hoạch với tổng thu nhập trên 8 tỷ đồng mỗi năm.
Còn tại xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên), ngay tại vùng từng là đất phèn chua mặn, những quả cam ngọt đã có mặt ở đây gần 15 năm với chất lượng ít nơi nào sánh bằng. Khi kinh tế nông thôn còn nhiều khó khăn, thì vườn cam này của ông Hoàng Hữu Mai đã đưa lại thu nhập đến 250 triệu đồng mỗi năm. Nó như một điểm sáng, là mô hình đầy triển vọng để phát động phong trào phá bỏ vườn tạp, xây dựng và phát triển cây trồng chủ lực tại Cẩm Xuyên. Bằng lòng đam mê, say sưa nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm KHKT, ông đã mạnh dạn đi đầu bước trước, tạo nên một HTX cam chất lượng cao tại vùng đồng bằng này.
Nhìn nét lam lũ, một nắng hai sương trên gương mặt ông, ít ai nghĩ, người nông dân này đã từng có 3 tháng đến đất nước Nhật Bản xa xôi chỉ để tìm tòi và học nông dân nước bạn cách tái tạo độ dinh dưỡng cho đất. Bất đồng ngôn ngữ không làm mai một ý chí làm giàu trên đất quê của ông. Chính các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản - những người quanh năm chỉ biết đến làm trang trại trong nhà kính đã phải ngỡ ngàng về sản phẩm của người nông dân đầu trần chân đất này. Và có lẽ cũng vì vậy, giữa những nhập nhằng của các loại sản phẩm nông nghiệp ta và Tàu, cam Cẩm Yên quê ông luôn có thương hiệu và chỗ đứng uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đam mê và đầy dự định, dù đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn không một phút ngơi nghỉ, tiếp tục chăm chút trang trại cam vừa trồng mới trên đất này.
Nhiều người dân địa phương không thể nhớ được cây cam có mặt trên đất Hà Tĩnh từ bao giờ. Với Cẩm Yên, người ta cho rằng, cách đây chừng 50 năm, nó bắt đầu được nhân rộng từ vườn cam tự chiết trồng của một thầy giáo dạy môn Sinh học của trường cấp ba Cẩm Bình. Còn với vùng đồi như cam Khe Mây, Vũ Quang hay vùng trà sơn của huyện Can Lộc, dù là mới nhưng cam đã được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn, là cây XĐGN, hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa. Nói như ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc thì: Với sự cần cù, chịu khó của người nông dân, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư để phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nhiều vườn cam đã đưa lại thu nhập bình quân khoảng 500-600 triệu đồng/vụ. Nông dân tính chuyện nhà lầu, mua xe tiền tỷ, giao dịch bán mua như những doanh nhân thành đạt đã không còn chuyện lạ tại những vườn cam.
Điều đáng ghi nhận tại nhiều vùng trồng cam ở Hà Tĩnh hiện nay chính là việc xuất hiện mô hình tư nhân hợp tác đầu tư để cùng phát triển. Ông Nguyễn Đình Quý (Thượng Lộc, Can Lộc) là một trong những người đi đầu trong mô hình này thông qua việc xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả. Ông đã trực tiếp ươm trồng, thử nghiệm và cung ứng giống, hướng dẫn KHKT cho các hộ trên địa bàn. Đây sẽ là môi trường thử nghiệm lý tưởng để gây dựng các vườn cam chất lượng cao. Bước đầu, mô hình này đã phát huy hiệu quả, được nông dân đón nhận và nhìn nhận một cách tích cực, trở thành một trại giống quy mô, thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Đến lúc này, sau khi tiêu thụ hết hơn 5 vạn cây giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh, vừa trò chuyện với chúng tôi, ông chủ nhiệm HTX liên tục cầm điện thoại từ chối, thông cảm vì không thể cung ứng đủ giống cho khách hàng…). Cũng theo ông Quý, mô hình này không những tạo thuận lợi cho bà con phát triển cây trồng chủ lực dựa trên đất đai, thổ nhưỡng, truyền thống và văn hóa canh tác của địa phương mà còn giải quyết được một phần bài toán về phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.
Những tia nắng mùa xuân bắt đầu ló rạng, xé toang không khí ảm đạm của những ngày cuối đông. Khắp các đường làng, ngõ xóm, mọi vùng miền dù sơn cước hay đồng bằng, người ta bắt đầu rậm rịch đến với những vườn cam để chuẩn bị hàng tết. Cam Hà Tĩnh giờ đây, khi đã trồng với quy mô lớn, nông dân không phải gánh gồng tới từng phiên chợ quê. Người ta tìm vào tận nơi, mua cả vườn sau khi đã thẩm định được chất lượng và sản lượng. Cam Hà Tĩnh trở thành đặc sản quà quê đi khắp mọi miền đất nước, thành sản phẩm hàng hóa chủ lực tại các cửa hàng nông sản an toàn.
Mùa xuân lại về. Dù đi đâu, về đâu, mỗi người con đất Việt lại sum vầy trong bữa cơm tất niên. Lòng tri ân, báo hiếu, dù mâm cao cỗ đầy hay đơn giản chỉ là tấm lòng thì tất cả đều được gửi gắm trọn vẹn trong mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ gia tiên. Trong sự thành kính thiêng liêng ấy, dường như một lần nữa, đặc sản cam quê mình với hương vị ngọt lành ấy đã trở thành một phong vị tết không thể thiếu với mỗi nhà, mỗi người… Trong sắc nắng của mùa xuân, sắc vàng của những chùm cam tết chợt sáng lên cùng ánh mắt, nụ cười của người nông dân. Xuân của đất trời, xuân của lòng người và xuân trong khúc hát những bài ca lao động…
THUẬN HUẾ
Theo baohatinh.vn