Muốn vay lại vốn ODA, phải không có nợ quá hạn
- Thứ hai - 08/06/2015 03:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Siết lại điều kiện vay vốn
Trong đó, Chính phủ cho các địa phương vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ để thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuộc quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả và bố trí ngân sách hoàn trả đầy đủ, đúng hạn vốn vay lại cho Chính phủ.
Những quy định trên đây là điều kiện để tiếp cận vốn vay lại tại dự thảo Nghị định quy định việc quản lý cho vay lại đối với Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo vừa được hoàn thành để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Việc cho vay lại được thực hiện theo nguyên tắc: hỗ trợ hợp lý cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương) có điều kiện khó khăn, đồng thời khuyến khích các địa phương có năng lực vay lại tiếp cận được nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của chính phủ để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Đồng thời, chỉ thực hiện cho vay lại đối với những địa phương đảm bảo khả năng trả nợ và không được thay thế bằng cơ chế cấp phát.
Để tiếp cận vốn vay ưu đãi nước ngoài, UBND cấp tỉnh đảm bảo duy trì nghĩa vụ trả nợ hàng năm đối với các khoản nợ do UBND cấp tỉnh ký kết so với thu ngân sách hàng năm trong toàn bộ vòng đời của các khoản nợ đó không vượt quá 10% đối với các tỉnh/thành phố nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, 15% đối với các tỉnh/thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương.
Vốn vay ưu đãi được cho vay lại toàn bộ đối với vốn vay ODA, áp dụng cho vay lại đối với chương trình, dự án trong 3 lĩnh vực sau: Thứ nhất, cấp nước nông thôn. Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (giao thông đô thị, đường sắt đô thị, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị và hạ tầng đô thị khác). Thứ ba, đầu tư bệnh viện, hạ tầng du lịch và dự án thuộc các lĩnh vực khác có đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với vốn vay nước ngoài dùng làm phần đóng góp của Chính phủ trong các dự án hợp tác công tư, UBND cấp tỉnh vay lại toàn bộ.
Trường hợp UBND dân cấp tỉnh có nợ vay lại quá hạn trên 180 ngày, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị không cấp, phê duyệt các khoản vốn vay ODA và vay ưu đãi khác cho tỉnh.
Nếu UBND cấp tỉnh có nợ quá hạn trên 180 ngày mà chưa trả, Bộ Tài chính thực hiện khấu trừ tồn quỹ ngân sách tỉnh (từ kế hoạch chi đầu tư) để trả các khoản nợ đến hạn và quá hạn đối với các khoản vay lại vốn vay ODA và vốn ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để có nguồn trả nợ cho Nhà tài trợ nước ngoài.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bố trí nguồn ngân sách của địa phương hàng năm để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đồng thời phòng ngừa rủi ro về nợ của UBND cấp tỉnh.
Nhu cầu lớn, cơ chế lỏng
Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, kiểm toán báo cáo Quyết toán NSNN năm 2013 của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cho biết, dư nợ cho vay lại đối với các khách hàng/dự án vay lại trong năm 2013 là 12.140,84 triệu USD, trong đó dư nợ các dự án có nợ quá hạn 1.261,66 triệu USD, chiếm 10,39% tổng dư nợ cho vay lại, trong đó các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán 310,91 triệu USD .
Đến 31-12-2013, số còn phải thu về Quỹ tích lũy đối với số tiền ứng trả nợ thay cho các dự án vay lại 252,7 triệu USD, trong đó năm 2013 ứng 70 triệu USD.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các khoản nợ cho vay lại của Chính phủ đã huy động được nguồn lực lớn từ nước ngoài chủ yếu theo điều kiện ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong khi thị trường vốn trong nước chưa cung ứng được lượng vốn lớn với thời hạn dài; năng lực tự vay, tự trả vốn nước ngoài của các doanh nghiệp còn hạn chế. Vốn vay về cho vay lại chiếm bình quân khoảng 30 - 35% tổng vốn vay nước ngoài của Chính phủ được cam kết và giải ngân hàng năm.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài đầy đủ để xử lý các trường hợp không trả được nợ và trong phần lớn các trường hợp không trả được nợ, Bộ Tài chính chỉ có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn nợ, xoá nợ... mà không thể thu hồi vốn thông qua cơ chế thu hồi tài sản đảm bảo hoặc yêu cầu doanh nghiệp phá sản để thanh lý tài sản, thu hồi nợ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay, đã làm nợ công có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua, có thể ảnh hưởng tới sự bền vững nợ công (năm 2006 ở mức 405 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% GDP; năm 2010 là 1.392 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% GDP và năm 2012 là 1.643 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% GDP).
Dự thảo Nghị định này với mục đích siết chặt lại các điều kiện vay vốn sẽ góp phần
quản lý khoản nợ này một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Địa phương thuộc diện được ngân sách trung ương bổ sung trong cân đối từ 70% trở lên được Chính phủ hỗ trợ cấp phát tối đa 90% vốn vay ODA và cho vay lại tối thiểu 10% vốn vay ODA. Địa phương thuộc diện ngân sách trung ương bổ sung trong cân đối từ 50% đến dưới 70% được Chính phủ hỗ trợ cấp phát tối đa 80% vốn vay ODA và cho vay lại tối thiểu 20% vốn vay ODA. Địa phương thuộc diện ngân sách trung ương bổ sung trong cân đối đến dưới 50% được hỗ trợ cấp phát tối đa 70% vốn vay ODA và cho vay lại tối thiểu 30% vốn vay ODA. Địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương (trừ Hà Nội và TP.HCM) được hỗ trợ cấp phát tối đa 50% vốn vay ODA và cho vay lại tối thiểu 50% vốn vay ODA. Hà Nội và TP.HCM được hỗ trợ cấp phát tối đa 20% vốn vay ODA và cho vay lại tối thiểu 80% vốn vay ODA. (Trích dự thảo Nghị định quy định việc quản lý cho vay lại đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ). |
Theo Báo Hải quan