NTM miền núi, khó nhất tiêu chí thu nhập và hộ nghèo
- Thứ năm - 14/03/2019 22:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Do vậy, dù đã qua hơn 8 năm triển khai xây dựng NTM ở các xã miền núi Bình Định đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.
Hạ tầng giao thông nông thôn ở xã miền núi Bok Tới (huyện Hoài Ân) |
Theo Theo Văn phòng Ðiều phối xây dựng NTM Bình Định, toàn tỉnh có 22 xã thuộc 3 huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão nằm trong diện xây dựng NTM. Trong số đó, sau hơn 8 năm (2011 – 2019), đến nay mới chỉ có 1 xã đạt được 15 tiêu chí là xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), số còn lại chỉ đạt 8 - 13 tiêu chí, thậm chí có xã mới chỉ đạt 5 tiêu chí. “Hầu hết các xã rất khó hoàn thành các tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa…”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, bộc bạch.
Theo ông Hổ, trở ngại lớn nhất trong xây dựng NTM ởmiền núi là hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số điểm xuất phát rất thấp, cơ sở hạ tầng thì “èo uột”, người dân thiếu đất SX, nhất là trình độ SX lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ KHKT nên không thể thoát nghèo. Hơn nữa chính quyền nhiều xã cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo SX, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên mức thu nhập của người dân vẫn cứ mãi “ì ạch”.
Ví như ở huyện miền núi An Lão. Trong 9 xã thực hiện xây dựng NTM hiện mới chỉ có 2 xã An Hòa và An Tân là đã hoàn thành được 13 tiêu chí, ấy vậy nhưng đến cuối năm 2018, cả 2 xã này vẫn còn trên 29% số hộ nghèo. Trong khi đó, theo quy định phải giảm xuống dưới 5%.
Theo ông Nguyễn Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân (huyện An Lão), do thu nhập của bà con vẫn còn ở mức thấp nên tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng NTM gần như “bất khả thi”. Bởi vậy, việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, các thiết chế về môi trường gặp không dễ.
“Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, xã An Tân sẽ về đích NTM, nhưng để nâng mức thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn là vẫn đề nan giải”, ông Tân chia sẻ.
“Bức tranh” xây dựng NTM ở huyện miền núi Vĩnh thạnh cũng không “sáng sủa” hơn. Theo ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện, đến cuối năm 2018 tỉ lệ hộ nghèo của huyện này vẫn còn đứng ở mức cao, đến 44,33%, trong đó 16% hộ cận nghèo. Tại 8 xã trong diện xây dựng NTM của huyện, hầu như chưa có xã nào hoàn thành 2 tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. “Huyện đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù ưu tiên hỗ trợ các xã miền núi khó khăn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển SX, tăng thu nhập để sớm hoàn thành các tiêu chí”, ông Đẩu bày tỏ.
Một trường mẫu giáo tại xã An Toàn (huyện An Lão) |
Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, để hỗ trợ các xã miền núi đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ kinh phí tăng gấp 1,4 lần so với các xã đồng bằng. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu chủ động phát huy nội lực trong nhân dân, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ từ cấp trên. Đồng thời, cần có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM. Tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, mỗi huyện miền núi có từ 2 - 3 xã về đích.
“Các xã miền núi cần sớm hình thành các chuỗi liên kết trong SX nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm nông sản cho nhân dân để đạt tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các xã miền núi cần được cho phép “dồn lực” từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, hàng năm lập kế hoạch đầu tư xây dựng NTM cho một số xã khó khăn theo kiểu cuốn chiếu, dễ làm trước khó làm sau, không đầu tư dàn trải, có như vậy lộ trình xây dựng NTM mới hanh thông”, ông Phan Trọng Hổ chia sẻ. |