Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi tại các tỉnh miền Trung

Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi tại các tỉnh miền Trung
Cây có múi là một trong số ít cây ăn quả có lợi thế ở khu vực miền Trung với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: bưởi Phúc Trạch, cam bù (Hà Tĩnh); cam Vinh (Nghệ An); bưởi Thanh Trà (Huế); bưởi đỏ Luận Văn (Thanh Hóa)... Những năm gần đây, các tỉnh miền Trung đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cây có múi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, nhờ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cây ăn quả có múi của vùng.

Tuy nhiên theo nhận định chung, sản xuất cây có múi của vùng còn nhiều hạn chế, năng suất và hiệu quả kinh tế chênh lệch cao giữa các hộ, các vùng sản xuất. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phát triển tự phát, một số giống địa phương thoái hóa dần, bệnh vàng lá greening và nhiều loại sâu bệnh hại khác lây lan rộng dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác, biến đổi khí hậu gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa bão, ngập úng ảnh hưởng xấu đến vườn cây. Trình độ canh tác chưa đồng đều, người sản xuất phần lớn chưa tiếp cận được thị trường, công nghệ và đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ... Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn ít, chuỗi giá trị ngắn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm cây ăn quả có múi.

Để góp phần nâng cao giá trị, tạo thu nhập ổn định cho người sản xuất và phát triển bền vững các loại cây ăn quả có múi khu vực miền Trung, trong 02 ngày (02-03/12/2017), tại thành phố Hà Tĩnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi”.

Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, cán bộ khuyến nông và nông dân đến từ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cùng các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ.... Ngoài ra có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến cây ăn quả như: giống, vật tư, hệ thống tưới tiên tiến và phân phối sản phẩm… tham dự Diễn đàn.

 

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, hiện nay, tổng diện tích cam, bưởi, quýt vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 16.279 ha, chiếm 27,9% diện tích cây ăn quả toàn vùng (58,3 nghìn ha), chiếm 22,4% diện tích cam, bưởi, quýt phía Bắc (72,6 nghìn ha) và bằng 10,3% diện tích cam, bưởi, quýt cả nước (157,4 nghìn ha). Riêng tỉnh Hà Tĩnh có trên 8.000 ha, quy hoạch đến năm 2020 đạt diện tích trên 13.900 ha.

Việc phát triển cây có múi được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Ông Đặng Ngọc Sơn – Phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tham dự và có ý kiến tại Diễn đàn. Ông khẳng định: Cây có múi là một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi bền vững, các yếu tố then chốt cần tập trung giải quyết gồm: giống, quy trình sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết được những vấn đề trên cần sự hợp tác của các chuyên gia nghiên cứu, chuyển giao, sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng lòng của người sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị cao. 

Tại Diễn đàn, đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc: Sử dụng giống chín sớm, chín muộn để rải vụ thu hoạch; Trồng cây giống sạch bệnh; Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và phân bón; Thụ phấn bổ sung, sử dụng bao quả, dùng thuốc sinh học, phân chuyên dụng... Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu đã tham quan mô hình trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh.

 

Đại biểu đã tham quan mô hình trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh.

 

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Trần Văn Khởi tổng kết một số giải pháp phát triển cây ăn quả có múi như sau:

+ Về quy hoạch, tổ chức sản xuất: Quy hoạch vùng sản xuất tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác xã kiểu mới. Sản xuất an toàn, có chứng nhận chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

+ Về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: Tuyên truyền, phổ biến những tiến bộ kỹ thuật mới nhất về giống, kỹ thuật canh tác, phân bón, tưới nước, đặc biệt là bảo vệ thực vật. Tăng cường tổ chức tham quan, hội thảo, tập huấn để giới thiệu và thuyết phục người sản xuất làm theo.

+ Về chính sách: Các tỉnh cần đề xuất và thực thi các chính sách của nhà nước và địa phương để thúc đẩy sản xuất cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng. Trong đó tập trung vào chính sách đất đai; khuyến nông; hợp tác xã kiểu mới; tín dụng; liên kết sản xuất; hình thành và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.

Ông Trần Văn Khởi cũng đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tăng cường tư vấn và tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu các mô hình cây ăn quả có múi hiệu quả cho người dân học hỏi, áp dụng.

Diễn đàn nằm trong chuỗi các sự kiện quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất - năm 2017...

 

Các đại biểu cắt băng khai mạc Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất - năm 2017

 

Đỗ Tuấn - Nguyễn Sâm/khuyennongvn.gov