Nâng cao năng lực hệ thống chính trị cơ sở (Bài 1): Vai trò hạt nhân lãnh đạo
- Thứ hai - 22/09/2014 22:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo
Những năm qua, các tổ chức cơ sở đảng khối xã, phường, thị trấn đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, thể hiện năng lực lãnh đạo toàn diện ở cơ sở, nhất là trong lãnh đạo xây dựng NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp - dịch vụ, quản lý đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Diện mạo NTM và đô thị văn minh đang hiển hiện khắp các địa phương trong tỉnh.
Để lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân xây dựng NTM, đặc biệt là hoàn thành 19 tiêu chí theo lộ trình đề ra đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở. Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tân (Kỳ Anh) là 2 xã xuất phát muộn hơn nhưng đã về đích vững chắc trong năm 2013, trong đó, Cẩm Bình về đích trước 2 năm. Xã tốp sau bứt phá là lời khẳng định: lộ trình xây dựng NTM dẫu khó khăn nhưng sẽ được chinh phục bởi cách làm sáng tạo, sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết cao cùng các giải pháp hiệu quả và quyết liệt.
“Muốn xây dựng NTM thành công, trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và các hệ thống chính trị phải đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; phát huy tinh thần nêu gương đội ngũ cán bộ đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên. Đặc biệt, phải thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình - Đặng Quốc Hải khẳng định.
Thạch Châu (Lộc Hà) về đích thành công trong năm 2013 là kết quả của việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Tiến Tám chia sẻ: Nét mới trong phương thức lãnh đạo ở Đảng bộ xã là trong sinh hoạt định kỳ của Đảng ủy đã xây dựng nội dung sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời điểm. Đặc biệt, Đảng ủy xã có văn bản phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân trong cấp ủy phụ trách trực tiếp tham dự sinh hoạt với các chi bộ để đôn đốc, kiểm tra. Từ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy xã nên trước mỗi kỳ họp, các chi ủy đều chuẩn bị nội dung cụ thể, sau đó đưa ra chi bộ thống nhất, đảm bảo sát thực tiễn. Phương thức lãnh đạo này đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân cấp ủy. Việc cấp ủy trực tiếp chỉ đạo đã giúp các chi bộ sinh hoạt đi vào nền nếp, đúng trọng tâm, gắn với thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ.
5 năm qua, các xã, phường, thị trấn đã nghiêm túc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/T.U, ngày 19/8/2009 của BTV Tỉnh ủy (khóa XVI) về “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”. Các địa phương gắn việc tổ chức học tập, quán triệt các nội dung nghị quyết với việc đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại địa phương trong thời gian qua, rút ra những ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, từ đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn.
Thúc đẩy phát triển KT-XH
Thực tiễn chứng minh, nơi nào cấp ủy, chính quyền mà trọng tâm là người đứng đầu thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao thì thực hiện các chủ trương, đường lối, các phong trào đều đạt hiệu quả cao. Sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã đạt được kết quả khá toàn diện, rõ nét: đến nay, có 7 xã đạt chuẩn NTM và 19 xã đang nỗ lực hoàn thành trong năm 2014; hình thành trên 3.400 mô hình sản xuất có hiệu quả trên các lĩnh vực; nhiều khu dân cư NTM kiểu mẫu, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống cộng đồng đang được triển khai xây dựng.
Việc phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất đã được cấp ủy, chính quyền xã Thạch Châu (Lộc Hà) quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và mang lại hiệu quả rõ nét. Trong ảnh: Mô hình sản xuất nấm quy mô 1.000 bịch/lứa trên địa bàn.
Việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của BCH đảng bộ, chi bộ; mối quan hệ phối hợp giữa thường trực đảng ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, thường trực ủy ban MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn cũng như thôn, xóm, khối phố ngày càng nền nếp và hiệu quả hơn; đảm bảo dân chủ, công khai và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, vị trí, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị; bộ máy các tổ chức trong hệ thống chính trị vận hành khá nhịp nhàng, khắc phục tình trạng chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng và những biểu hiện buông lỏng hoặc bao biện trong lãnh đạo của tổ chức đảng; xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ sát hợp cho các đồng chí trong BCH, nâng cao chất lượng hoạt động…Để đạt được kết quả đó, BCH các đảng bộ xã, phường, thị trấn từng bước thực hiện khá tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị đối với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; chăm lo xây dựng, củng cố các chi bộ, chi hội, chi đoàn ở thôn, xóm, khối phố vững mạnh, tạo nền tảng trong triển khai và thực hiện các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, nhất là trong lãnh đạo phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM, di dời tái định cư, GPMB phục vụ các chương trình, dự án…
Đảng ủy các xã, phường, thị trấn; các chi ủy, chi bộ ở các thôn, xóm, tổ dân phố coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao nhận thức, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; gắn công tác giáo dục chính trị tư tưởng với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Chỉ thị số 35-CT/T.U, Kết luận 05-KL/T.U của BTV Tỉnh ủy về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ LLVT; chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách của cấp trên vào thực tiễn địa phương, đơn vị, nhất là trong phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, GPMB, di dân tái định cư, xây dựng các mô hình, điển hình, giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…
Năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn được nâng lên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN trong toàn tỉnh. Chỉ tính riêng 3 năm (2011-2013), kinh tế tăng trưởng nhanh, phát triển theo hướng bền vững, có sự thay đổi về chất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,8%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 24 triệu đồng. Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu đạt kết quả tốt, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu.
Thanh Hoài
Nguồn: baohatinh.com.vn