Người đầu tiên trồng rau thủy canh và ý tưởng làm du lịch bằng nông nghiệp

“Nghe tôi nói sẽ trồng rau mà không cần đất, người dân bàn tán nhiều lắm. Họ nói cây kiểu gì cũng chết vì không có đất thì sống ở đâu. Nay họ đã tin tôi rồi, nhiều người biết chuyện cũng đã đến tìm hiểu để làm theo. Trong tương lai, tôi đang muốn phát triển du lịch bằng nông nghiệp hữu cơ”, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An) Nguyễn Kim Nam kể lại hành trình đến với cây rau thủy canh cùng ý tưởng táo bạo của mình như vậy.

Trước khi quay về quê hương lập nghiệp, anh Nam đã lăn lộn nhiều năm trời ở phương Nam với đủ thứ nghề để mưu sinh. Vì rất nhiều lý do nên chẳng nơi nào anh trụ được lâu. Năm 2013, Nguyễn Kim Nam quay về quê rồi “nhảy” sang Hà Tĩnh làm công nhân cho Khu công nghiệp Vũng Áng, nhưng “việc chẳng níu người”.

Vợ thấy chồng, bố mẹ thấy con công việc không ổn định - nay đây mai đó - nên bàn cách lôi anh về quê để lập nghiệp.

Mò mẫm với rau thủy canh

“Cuối năm 2017, sẵn có kinh nghiệm trồng rau sạch hồi còn làm thuê ở trong Nam, tôi đã bàn với gia đình vay vốn lập HTX chuyên về rau sạch, với điểm nhấn là mô hình rau thủy canh trồng trong nhà lưới. Người thân ai cũng ngần ngại vì vốn bỏ ra nhiều trong khi ở Nghệ An chưa có ai làm, liệu có thành công?”, anh Nam tâm sự.

Là người đầu tiên ở xứ Nghệ tiên phong với cách trồng rau không cần đất, anh Nam phải vừa làm vừa mò mẫm tìm đường. Gần như các công đoạn làm giàn lưới, giàn trồng rau... anh đều phải tự liên hệ, tìm kiếm nơi bán để mua về lắp đặt. Còn kỹ thuật trồng rau thủy canh, ngoài kinh nghiệm học mót được từ hồi còn đi làm thuê, anh còn phải “đùm cơm” đi học thêm.

“Nếu có người ở Nghệ An làm rồi thì dễ, nhưng mô hình rau thủy canh còn quá mới mẻ nên rất khó khăn để mình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Tất cả là do mình tự học, tự tìm hiểu để làm thôi”, Nguyễn Kim Nam chia sẻ.

Cuối năm 2017, người làng tròn mắt khi thấy anh thuê hẳn xe ôtô chở hàng tấn ống tuýp sắt về làm giàn ngoài ruộng, rồi mua lưới về phủ kín. Trong nhà lưới, anh cho lắp các giàn để trồng rau thủy canh.

rau-thuy-canh-JPG-6178-1539301992.jpg

Thụ phấn cho dưa leo

Người nông dân nơi đây vốn đã quen với việc cày ải, lật đất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV để sản xuất... nên rất lạ lẫm khi thấy anh Nam trồng rau phủ kín trong lưới mà lại không cần đất. Câu chuyện anh Nam trồng rau không cần đất ngay tức khắc đã lan nhanh khắp làng trên xóm dưới.

“300 triệu đồng bỏ ra xây dựng mô hình mà thấy rất lo. Trong Nam trồng thành công vì khí hậu trong ấy khác. Thời tiết Nghệ An thì quá khắc nghiệt. Người thân cũng đã hỏi tôi, hay là thôi không làm nữa, khiến mình càng thêm hoang mang”, anh Nam kể.

Đầu 2018, vụ rau đầu tiên đã xuống giống trong tâm trạng đầy lo lắng của anh Nam. Thật may, thời điểm đó trời đã bắt đầu lạnh, hợp với khí hậu nên các cây trồng như cải, xà lách, bó xôi... phát triển nhanh và cho kết quả khả quan. Khỏi phải nói, anh Nam vui mừng cỡ nào. Niềm vui ấy càng lớn hơn, bởi theo như anh Nam là “khỏi mất mặt với xóm giềng”.

Bước chân vào mô hình rau thủy canh rộng 600 m2 của anh Nam, đập vào mắt chúng tôi là màu xanh tươi non, mơn mởn của các loại rau cải lá, cải bó xôi, rau muống, dưa lê Hàn Quốc lúc lỉu quả... Vừa đi, anh Nam vừa say sưa kể vanh vách quy trình trồng, chăm bón cây theo phương pháp thủy canh như một thầy giáo đang lên lớp giảng bài.

Theo anh Nam, sau khi ươm các hạt giống rau 4 - 5 ngày trong mút xốp, cây con được trồng trong cốc và đặt trên hệ thống giá đỡ. Hệ thống giá đỡ bao gồm các ống nhựa trồng cây chuyên dụng kết nối với nhau, bảo đảm sao cho dung dịch dinh dưỡng khi bơm vào sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của hệ thống ống đến nuôi từng cây trước khi hồi lưu trở về thùng chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín.

Mô hình rau thủy canh có thể trồng nhiều vụ trong năm và trồng trái vụ. Quá trình trồng không sử dụng thuốc BVTV, các hóa chất gây hại cho môi trường, nên sản phẩm hoàn toàn sạch, đồng nhất, giàu dinh dưỡng, tươi ngon. Đặc biệt, mỗi vụ rau chỉ mất hơn 20 ngày, nên thời gian quay vòng rất nhanh.

Thị trường rau trồng theo phương pháp thủy canh rất đắt khách. Mỗi ngày xuất bán một đợt rau nhưng đều có người đặt từ trước. Dù giá đắt, 1 kg rau chừng 30.000 đồng nhưng không có bán.

“Rất nhiều bệnh viện, trường học, cửa hàng... đến ký hợp đồng để tôi cung cấp rau cho họ nhưng mình không dám nhận vì không đủ số lượng. Nhiều người cũng đã đến tìm hiểu mô hình để làm theo, biết đến bao nhiêu, mình hướng dẫn họ đến đó”, anh Nam hồ hởi.

trong-cay-nong-nghiep-JPG-8445-153930199

Chăm sóc rau thủy canh

Làm du lịch bằng nông nghiệp hữu cơ

Hiện tại, cùng với mô hình rau thủy canh 600m2 của mình, anh Nam đang là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành hoạt động HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh với 39 hộ thành viên, trên diện tích 5 ha sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP.

Vùng Nam Anh là “vựa rau” truyền thống có tiếng của Nam Đàn. Khi thành lập HTX chuyên về rau, củ, quả là một lợi thế để các hộ thành viên nơi đây phát triển hơn nghề trồng rau của mình. Từ khi thành lập HTX đến nay, quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo chuỗi giá trị: Rau được liên kết với các cửa hàng, đơn vị để bao tiêu nên nông dân rất yên tâm. Đặc biệt, với việc tiên phong áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, anh Nam đang tạo ra luồng gió mới đổi thay cách nghĩ, cách làm của nông dân nơi đây.

“Người tiêu dùng rất khó tính với những mẫu rau, củ, quả bắt mắt, vì họ lo sợ đã được phun chất kích thích, thuốc trừ sâu... Từ khi triển khai sản xuất theo mô hình VietGAP của HTX, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất: Rau được trồng và bón bằng phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV. Mục đích của chúng tôi là sẽ lấy lại thương hiệu rau Nam Anh”, một thành viên HTX cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hệ thống mương máng tưới tiêu chưa đạt chuẩn nên các hộ thành viên gặp khó trong sản xuất. Chưa kể, để mở rộng thêm diện tích, cải tạo những vùng trũng sang sản xuất rau theo VietGAP không dễ dàng.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi bên các giá thể rau thủy canh, anh Nam đã sẻ chia tâm nguyện của mình là biến cánh đồng rau Nam Anh thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm. “Mình rất muốn biến cánh đồng xã Nam Anh thành khu du lịch nông nghiệp hữu cơ. Du khách đến đây vừa tham quan vừa trải nghiệm, vừa thưởng thức các loại hoa trái do người dân làm ra”, anh Nam nói.

Một loạt các ý tưởng đang được Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX vạch ra, nhưng khó khăn lớn trong thực hiện ý tưởng này là vốn. “Tôi không lo quỹ đất, giờ đang kêu gọi để có nhà đầu tư tầm cỡ cùng bắt tay thực hiện thì rất tốt. Khi đã hình thành thì mỗi tổ hợp tác sẽ đảm nhận một khâu, một quy trình, một vùng trong cái tổng thể. Sản phẩm rau, củ, quả sẽ có quanh năm để du khách vừa thưởng thức tại chỗ vừa có thể mua về dùng. Chưa làm nhưng mình đã thấy được hiệu quả bởi lợi thế là quê Bác có lượng khách du lịch đông, chắc chắn sẽ thu hút được khách”, anh Nam phân tích.

Nguyễn Thanh/thoibaokinhdoanh.vn