Người giáo dân lập nghiệp trên vùng đất mới

Rời quê hương lên vùng tái định cư Đông Yên – Kỳ Lợi để nhường đất cho khu kinh tế mới, giáo dân Mai Xuân Long đã trăn trở nhất chính là tìm cho mình một hướng đi phù hợp trên vùng đất mới để ổn định cuộc sống gia đình. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như Hội nông dân thị xã, cuối năm 2016, Ông đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ, bước đầu đạt được những kết quả tốt.
Người giáo dân lập nghiệp trên vùng đất mới

Sau sự cố môi trường biển, hơn nữa ở cái tuổi 60, sức khỏe của Ông  cũng không phù hợp với nghề đi biển, Ông  luôn trăn trở làm thế nào để tìm ra hướng đi mới nhằm ổn định kinh tế gia đình, không những cho gia đình Ông  mà còn cho những người hội viên, những người hàng xóm thân quen. Đã từng được xem  trên ti vi về mô hình nuôi thỏ và đọc qua sách báo, Ông Mai Xuân Long ở xã Kỳ Lợi  nung nấu ước mơ sẽ thí điểm mô hình nuôi thỏ. Ông quyết định đi tham quan các mô hình chăn nuôi thỏ ở các huyện, các tỉnh lân cận. Nhận thấy nghề chăn nuôi thỏ khá phù hợp với hoàn cảnh gia đình, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao, bác đã mạnh dạn kí hợp đồng với Công ty Thỏ Việt, thành lập hợp tác xã chăn nuôi thỏ ở thôn Đông Yên – Kỳ Lợi. Hợp tác xã hiện có 10 thành viên, đều là hội viên của hội nông dân Chi hội 1 Hội nông dân Kỳ Lợi.

 

 

 

Mô hình nuổi Thỏ của ông Mại Xuân Long ở khu tái định cự Đông Yên Kỳ Lợi

 

 

 

 

 

       

        Sau khi kí hợp đồng bao tiêu với công ty Thỏ Việt, các thành viên của Hợp tác xã đã được chính kỹ sư của công ty vào tận nơi, tư vấn trực tiếp kỹ thuật làm chuồng trại cũng như kỹ thuật chăm sóc thỏ. Nhận được hỗ trợ của chính quyền sau sự cố môi trường biển, đồng thời mạnh dạn vay vốn ngân hàng, hợp tác xã đã tiến hành xây dựng chuồng trại, trung bình mỗi trại chi phí hết khoảng hơn 100 triệu đồng bao gồm con giống, xây dựng chuồng trại, đầu tư quạt gió, thuốc men… Hiện nay, Hợp tác xã đã có 10 trại, có hơn 500 thỏ giống và hơn 4000 thỏ thịt. Thỏ phát triển khá nhanh, mỗi năm thỏ mẹ đẻ được 7 – 8 lứa, mỗi lứa 6 -7 con, thỏ thịt chỉ cần 2,5 – 3 tháng là đạt được trọng lượng tầm 2,5 kg. Như vậy, trung bình mỗi năm hợp tác xã xuất khoảng 4 lứa thỏ thịt cho công ty và cung cấp được 6 lứa thỏ giống cho địa bàn toàn thị xã. Qua gần 4 tháng triển khai, hợp tác xã đã vừa xuất được 1,5 tấn thỏ thịt đầu tiên, là tín hiệu khởi đầu đầy thuận lợi.

Không dừng lại ở đó, bên cạnh thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ, Ông  còn thả thêm gần chục con bò để giúp ổn định kinh tế gia đình. Các con của Ông  được cha định hướng nên cũng đã xây dựng được các mô hình nuôi gà siêu trứng, nuôi thỏ đem lại lợi nhuận cao, mau thu hồi vốn.

Với những nỗ lực vượt khó để vươn lên làm giàu, Ông  Mai Xuân Long là tấm gương điển hình cho người giáo dân dám nghĩ dám làm, mạnh dạn sáng tạo trong sản xuất. Bản thân Ông và gia đình còn là tấm gương mẫu mực trong chấp hành  đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện sống tốt đời đẹp đạo, lương giáo đoàn kết, xây dựng gia đình ấm no-  hạnh phúc.

                                                 

                                                           Theo Hoàng Trang –Anh Tuấn/thixakyanh.hatinh.gov.vn