Nhà báo Anh Bình với “Dấu ấn nông thôn mới”

Nhà báo Anh Bình với “Dấu ấn nông thôn mới”
Lâu lắm tôi mới lại có dịp quay về Hà Tĩnh, vùng “chảo lửa túi mưa” của khúc ruột miền Trung. Gặp anh khi nắng chiều đã xô nghiêng dãy Hồng Lĩnh hùng vĩ. Chưa kịp hỏi han nhau, anh đã bắt chặt tay tôi háo hức khoe bằng chất giọng hào sảng của người xứ Nghệ: “Chú thấy không, chỉ sau hơn 3 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Hà Tĩnh đã khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo mang gam màu của ấm no, sung túc, đủ đầy…!”. Tôi biết: Ẩn sau cái sự “khoe” ấy là cả nỗi niềm đau đáu của một người con quê hương luôn dõi bước, đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình chung tay XDNTM. Ở đó còn là cái chữ “sĩ” của người làm báo, tự hào khi quê mình ngày một giàu đẹp.
Vốn là nhà báo có xuất thân từ “lũy tre làng”, Anh Bình luôn trăn trở với từng bước chuyển mình của nông thôn. Vào khoảng những năm 2005-2008, Hà Tĩnh đã bắt đầu thực hiện XDNTM theo 33 tiêu chí, từ đó Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh đã mở đường, xây nhà, tích tụ ruộng đất, dần dần hình thành những thôn, những xã NTM sơ khai. 

Nhìn lại chặng đường gần 5 năm đã qua, anh bảo: “Viết cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng vất vả lắm, lao tâm khổ tứ lắm chứ. Nhưng rất mừng là, giờ đây, đi đâu, đến đâu cũng thấy bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt, từ đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng đến các khu dân cư, nhà cửa, trạm y tế, trường học... đến những cánh đồng mẫu cò bay thẳng cánh”. 

Tôi còn nhớ, dịp Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM được tổ chức tại Đà Nẵng, đích thân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đăng Khoa đã hết lời khen ngợi: “Hà Tĩnh là tỉnh đi đầu về phong trào XDNTM của cả nước. Ban chỉ đạo T.Ư mong các tỉnh, thành cần học tập kinh nghiệm của Hà Tĩnh”. Còn Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình thì cho rằng, sức lan tỏa của phong trào XDNTM đã thấm vào tâm khảm, thấm vào máu thịt của mỗi người dân Hà Tĩnh. 

Có lẽ vì đã ngấm “vào máu thịt” như lời Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình đã nói nên các bài viết của anh về NTM thường chân thực hơn, sâu sát hơn. Qua các tác phẩm như: “Phù Việt chung sức, chung lòng”; “Hà Tĩnh sau 2 năm xây dựng NTM”; “Những nhân tố làm nên NTM Đức Thọ”; “Ông bí thư NTM”; “XDNTM phải mang tính bền vững”; “Vì một cuộc sống mới: Cần giữ hồn cốt của làng” và còn nhiều lắm những bài viết khác không thể kể hết ra đây..., anh đều dồn hết tâm tư để viết, để nói. Nhiều bài viết dám nói thẳng, nói thật, khiến không ít người chạnh lòng (điển hình như việc một số người dân lén lút gieo cấy giống lúa IR 1820 trái chỉ đạo của chính quyền địa phương). Nhưng đến lúc hiểu ra mọi sự, họ mới thầm cảm ơn anh, cảm ơn chính quyền đã đưa giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật về giúp họ làm giàu trên đồng ruộng của mình…

Cầm trên tay tập bản thảo với hơn 60 tác phẩm xoay quanh chủ đề XDNTM ở Hà Tĩnh, được chính tay anh viết và chọn lọc một số bài viết của phóng viên, cộng tác viên, anh nói với tôi rằng: “XDNTM là cơ hội để nông thôn Hà Tĩnh nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung đổi mới toàn diện, thoát nghèo bền vững. Đất nước với hơn 80% dân số làm nông nghiệp có giàu mạnh, đủ sức “vươn mình ra biển lớn” được hay không cũng là từ đây! Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, việc chung tay XDNTM (dưới mọi hình thức) là nghĩa vụ của mỗi người con đất Việt, cả anh và chú cũng không nằm ngoại lệ!”. Anh cười, tiếng cười nghe đôn hậu, ấm áp lạ !
nguồn: kinhtenongthon.com.vn