Nhân lên những giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 01/04/2017 07:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bởi vậy mà ở những vùng quê NTM khang trang, trù phú hôm nay đều ngập tràn sắc xanh; sôi động những loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng; lắng sâu những làn điệu dân ca ví, giặm...
Phong phú đời sống tinh thần
Tập trung nguồn lực cùng cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6: cơ sở vật chất văn hóa và số 16: thôn, bản chuẩn văn hóa), Hà Tĩnh đã có được sự hài hòa giữa các tiêu chí, các lĩnh vực trong chương trình xây dựng NTM, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới tương lai. Gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc tập trung thực hiện các tiêu chí về văn hóa đã giúp các địa phương hoàn thiện các thiết chế văn hóa và nâng cao giá trị tinh thần trong đời sống nông thôn.
Hát dân ca ví, giặm trên bến Giang Đình. Ảnh: QK
Bức tranh NTM Hà Tĩnh ngày càng phong phú và nhiều màu sắc khi những giá trị văn hóa vật thể được chú trọng khôi phục, giữ gìn từ đền chùa, miếu mạo đến cây đa, bến nước, hồ sen và những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Thạch Khê (Thạch Hà) đánh thức các điệu hò, ví giặm truyền thống; Thịnh Lộc (Lộc Hà), Tượng Sơn (Thạch Hà) tái hiện trò chơi dân gian đi cà kheo trong các dịp lễ hội; các công viên mini - không gian văn hóa làng quê sẽ chính thức đi vào hoạt động tại các xã Xuân Viên, Tiên Điền (Nghi Xuân) trong mùa hè tới…
Những điểm du lịch sinh thái trải nghiệm mang đậm màu sắc văn hóa vùng miền đang hình thành. Nghi Xuân trên hành trình xây dựng huyện NTM đang trở thành điểm đến của nhiều đoàn tham quan trong và ngoài tỉnh với các tour du lịch điền dã, du lịch tâm linh, văn hóa với những trò chơi dân gian như: bắt cá, ném cổ vịt, bắt lươn trong chum, xay lúa, giã gạo truyền thống được tái hiện khắp các xã. “Huyện đã lấy nội dung xây dựng CLB văn nghệ dân gian (ví, giặm Nghệ Tĩnh; ca trù; sắc bùa, lẩy, vịnh Kiều) làm một tiêu chí bắt buộc trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, coi đây là nét đặc trưng trong xây dựng NTM của vùng đất giàu truyền thống văn hóa” - Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Nghi Xuân Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian thôn Phong Giang, xã Tiên Điền (Nghi Xuân).
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ở khu vực nông thôn, trong những chuyến khảo sát ở các địa phương, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh đã phát hiện và đang phối hợp đầu tư tôn tạo Trung tâm Phát triển xã Hương Bình - nơi lưu giữ trên 600 nông cụ, dụng cụ phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người nông dân Nghệ Tĩnh xưa. “Từ sự hỗ trợ của các cấp, hiện nay, trung tâm đã sắp xếp lại các hiện vật theo từng chủ đề và đang tiến hành làm hàng rào xanh, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn ươm cây giống; phát triển thêm các trò chơi dân gian như câu cá, nơm cá để tạo điểm đến cho du khách trong tuyến du lịch trải nghiệm NTM Hương Trà - Hương Bình” - Bí thư Đảng ủy xã Hương Bình Đặng Quốc Bảo cho biết.
Bền vững từ con người văn hóa
Hành trình xây dựng ý thức chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình NTM, từ chỗ xóm trưởng, bí thư, cán bộ, đảng viên xắn tay làm trước, đến nay, khắp các vùng quê NTM Hà Tĩnh đều dễ bắt gặp hình ảnh cả cộng đồng chung tay làm NTM. Khi xã Tân Lộc, một địa phương khó khăn của huyện Lộc Hà triển khai làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi được nghe lời tâm tình của ông Nguyễn Xuân Minh (thôn Tân Trung): “Nhiều năm nay, đường làng, ngõ xóm chỉ có một lối đi nhỏ, dân ao ước có con đường rộng rãi để đi lại. Bởi vậy, khi Nhà nước có chủ trương làm đường, tỉnh, huyện hỗ trợ một phần kinh phí, tôi và mọi người dân ở đây đều sẵn sàng với tinh thần đường mở rộng đến đâu, các gia đình sẽ hiến đất đai, cây cối, bờ rào đến đó. Làm đường cho mình đi, cho thôn xóm mình đàng hoàng như những vùng NTM khác, người dân chúng tôi sẵn sàng chung sức”.
Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tại nhà văn hóa thôn Mỹ Lộc, xã Xuân Viên được phục hồi, phát huy hiệu quả. Ảnh: Ngô Thắng
Về khu dân cư NTM kiểu mẫu Yên Mỹ (xã Cẩm Yên, Cẩm Xuyên), chúng tôi được bà Trần Thị Thấu (70 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Tinh thần đoàn kết, gắn bó là nét đẹp truyền thống của thôn Yên Mỹ. Trong thực hiện chương trình xây dựng NTM hiện nay, tình đoàn kết lại càng được phát huy cao hơn. Khi thôn bắt tay xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, mọi nhà như một đều đồng lòng, góp sức. Vì vậy, 100% gia đình trong thôn đã tham gia xây dựng vườn mẫu, làm cho khu dân cư NTM kiểu mẫu ngày càng đẹp hơn”.
Câu chuyện ông Trần Doãn Cơ (xóm 1, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân), từ chỗ sắm chiếc máy cắt để tạo dáng cho hàng rào xanh của mình, dần trở thành tuyên truyền viên tích cực trong vận động, giúp đỡ các gia đình khác cùng tham gia làm hàng rào xanh là một minh chứng sống động về hình ảnh những con người văn hóa trong xây dựng NTM. “Chỉ riêng nhà mình, dù đẹp mấy thì cũng không làm nên thôn xóm đẹp, vì vậy, tôi vận động các gia đình kề cận cùng làm, rồi từ đó, lan tỏa rộng ra, cùng làm cho thôn xóm mình bình yên, tươi đẹp” - ông Cơ phấn khởi chia sẻ.
Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho rằng, mục tiêu đầu tiên và cũng là đích đến cuối cùng của xây dựng NTM, đó là người dân có ý thức cao và chủ động xây dựng cuộc sống của chính mình, về sâu xa đó chính là xây dựng con người văn hóa.
Xây dựng NTM qua hành trình nhiều năm bền bỉ, từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hy vọng đã trở thành khát vọng của người dân, các địa phương, cấp, ngành… Đó chính là những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn cần tiếp tục được bồi đắp và phát huy trong hành trình không ngưng nghỉ và không có điểm dừng để cuộc sống người dân nông thôn ngày càng thêm giàu đẹp, tươi mới cả về vật chất lẫn tinh thần.
Theo Mai Thủy/baohatinh.vn