Nhóm xã phấn đấu về đích NTM 2014 (bài 1): Phát triển sản xuất - quan điểm có, thực hiện khó!
- Chủ nhật - 14/09/2014 20:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phù Việt (Thạch Hà) - địa phương giàu truyền thống cách mạng, điểm sáng trong huy động các nguồn lực xây dựng NTM, đã hoàn thành được khối lượng công việc khá lớn cho mục tiêu về đích năm 2014. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiêu chí cơ bản đạt chuẩn thì các mô hình sản xuất vẫn chưa rõ hình hài. Người dân ngại đương đầu với thử thách đã đưa ra nhiều lý do để nói khó với mô hình sản xuất: huy động vốn không đủ nhu cầu, nguồn hỗ trợ theo các chính sách phải đến lúc nghiệm thu mới được giải ngân, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh... Trong khi đó, trong suốt thời gian dài, chính quyền địa phương chưa trực tiếp “cầm tay chỉ việc” đối với việc xây dựng từng mô hình để cùng người dân gỡ khó. Bởi vậy, đến chặng đường nước rút, xã mới cho ra đời một số mô hình liên kết sản xuất: tổ hợp tác (THT) sản xuất nấm, chăn nuôi lợn và chăn nuôi bò charolaise...
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Thanh Lộc (Can Lộc). |
“Thực tế ở Phù Việt, những gia đình có năng lực thường lựa chọn phát triển thương mại dịch vụ. Các hộ tham gia mô hình sản xuất chủ yếu thuần nông, xuất phát điểm thấp cả về vốn lẫn năng lực nên khá chật vật trong tổ chức sản xuất. Vì vậy, đến nay, xã mới phát triển được một số ít mô hình chăn nuôi gia trại; việc xây dựng các THT sản xuất theo hướng liên kết chỉ mới khởi động; mô hình quy mô lớn chưa có” - ông Nguyễn Đăng Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Yên Hồ (Đức Thọ) cũng là địa phương có bề dày sản xuất với những vùng lúa, rau nổi tiếng, thế nhưng, sau 3 năm triển khai đề án sản xuất, xây dựng NTM, xã vẫn chưa có nổi một mô hình SXKD quy mô lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Mạnh Hùng cho biết, với đặc thù của vùng đất sâu trũng, thường bị ngập úng trong mùa mưa bão, xã không có chủ trương xây dựng mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn vì sợ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh phát triển thâm canh lúa hàng hóa và từng bước mở rộng vùng rau tập trung, xã vận động người dân phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ theo hướng liên kết nhưng đến nay, kết quả còn hạn chế. Thiếu mô hình nên người dân địa phương chưa tranh thủ được các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện. Năm 2013, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất phân bổ cho các mô hình sản xuất của địa phương còn thừa khoảng 200 triệu đồng.
Theo kết quả khảo sát của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đối với nhóm xã đặt mục tiêu về đích năm 2014, sau hơn 3 năm thực hiện, nhiều xã còn chậm chân trong xây dựng mô hình sản xuất, như: Thạch Môn (TP Hà Tĩnh) và Thanh Lộc (Can Lộc), đến nay mới chỉ có 1 mô hình; Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) 3; Phù Việt, Cẩm Thành 6; nhiều địa phương chưa có mô hình quy mô lớn và vừa theo yêu cầu về phát triển sản xuất tỉnh đề ra.
Mơ hồ hình thức tổ chức sản xuất
Năm 2014, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) xây dựng được một mô hình sản xuất lớn với quy mô 6.000 con lợn thương phẩm liên kết với Công ty Chăn nuôi CP do ông Trần Nghệ Tĩnh đứng chủ. Thế nhưng, trong chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM vào tháng 6 vừa qua, bên cạnh biểu dương nỗ lực, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự lưu ý: Cẩm Thăng phải quan tâm hơn nữa việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết để thu hút số đông người dân vào các mô hình sản xuất bền vững. Làm việc với chuyên trách xây dựng NTM của xã, chúng tôi được biết, Cẩm Thăng có 4 HTX nhưng phần lớn hoạt động chưa hiệu quả, một số HTX chỉ tồn tại mang tính hình thức.
Đơn vị truyền thống là HTX Dịch vụ tổng hợp thực hiện các dịch vụ: nước, môi trường, giống, vật tư nông nghiệp chưa được chuyển đổi sang HTX kiểu mới, vai trò mờ nhạt. HTX Rau Toàn Thắng chỉ có 4 hộ tham gia, mới sản xuất được một vụ và hiệu quả còn thấp; HTX Ánh Trang thực chất chỉ có 2 hộ đảm nhận sản xuất chăn nuôi trên quy mô 3,5 ha nhưng chưa mang lại kết quả rõ nét. “Xã có 52 hộ nuôi lợn quy mô từ 20 con trở lên nhưng quá trình khảo sát, lựa chọn các hộ tham gia THT chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp, chỉ có 15 hộ đủ điều kiện và có nhu cầu” - ông Hoàng Bá Từ - chuyên trách xây dựng NTM xã thừa nhận.
Mô hình nuôi tôm trên cát của Công ty Sao Đại Dương tại Thạch Trị (Thạch Hà) với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. |
Lúng túng hơn với bài toán liên kết sản xuất, xã Cẩm Yên thậm chí chưa thể tìm được đối tác đầu tư với THT chăn nuôi vừa được thành lập. Chị Trần Thị Thanh - thành viên THT cho biết, hiện nay, các hộ đã xây dựng chuồng trại, bể biogas theo đúng quy chuẩn nhưng vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào “bắt tay” với nông dân. Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Phú, Cẩm Yên có kế hoạch thành lập thêm 2 tổ hợp sản xuất nhưng do tổ thứ nhất thành lập chưa hoạt động được nên 2 tổ còn lại cũng khó hình thành.
Được biết, từ năm 2011, Cẩm Yên đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với diện tích 3,5 ha tại khu vực Thổ Đôi, thôn Minh Lạc để vận động các hộ dân hình thành vùng liên kết chăn nuôi quy mô lớn. Nhưng đến thời điểm này, ngoài gia đình Bí thư Đảng ủy xã tiên phong triển khai, chưa có hộ dân nào đủ năng lực và quyết tâm đầu tư sản xuất. Mục tiêu xây dựng những mô hình liên kết sản xuất cả quy mô lớn và nhỏ của địa phương sau 3 năm vẫn là một giấc mơ xa.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kết luận: các xã có khả năng đạt chuẩn cần phân công cán bộ chủ trì trực tiếp chỉ đạo tại các thôn, xóm xây dựng các mô hình điểm, thôn điểm; đặc biệt, đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã phải trực tiếp chỉ đạo ít nhất 1 thôn; thành lập các doanh nghiệp, HTX, THT để phấn đấu mỗi xã có 5-7 doanh nghiệp, 3-5 HTX, có ít nhất 3 mô hình quy mô lớn, 15 mô hình quy mô vừa và ít nhất 30% số hộ sản xuất, kinh doanh theo quy mô nhỏ có hiệu quả. |
Ngô Tuấn - Hữu Trung - Vũ Dũng
Nguồn baohatinh.vn