Những con đường ước mơ

Những con đường ước mơ
Làm mới gần 1.200km đường giao thông nông thôn chỉ trong vòng 2 năm, nhiều xã làm tới hàng trăm km đường, Tuyên Quang đang trở thành "kiện tướng" về phát triển giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

 

Có thể nói, đây là "những con đường ước mơ" để đưa Tuyên Quang từ một tỉnh còn nhiều khó khăn phát triển nhanh hơn...

Đường lớn đã mở…

Thôn Ngòi, xã Mỹ Bằng, vinh dự là chiến khu kháng chiến và nơi ở của Hoàng thân Xuphanuvông lãnh đạo cách mạng Lào trong giai đoạn 1950 - 1951. Cách đây 2 năm, đường vào thôn Ngòi 100% là đường đất, ngày nắng thì bụi, mưa lầy lội, khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Hiện 100% đường của thôn đã được bê tông phẳng lì, rộng từ 3 - 4m.

Cụ Ngô Thị Bính, 87 tuổi ở thôn Ngòi phấn khởi khi thôn có đường đẹp.

Cụ Ngô Thị Bính (87 tuổi) phấn khởi nói: "Vui lắm, phấn khởi lắm chú ạ. Tôi già rồi không còn được đi nhiều trên con đường đẹp, nhưng tôi vẫn đóng góp. Mình không đi thì con cháu, bà con hàng xóm mình đi, có ai đâu mà thiệt". Cũng vì thế mà cụ Bính không ngần ngại hiến cho thôn, xã hàng trăm m2 đất để mở rộng đường.

Đưa chúng tôi đi trên con đường phẳng, rộng, dẫn đến tận các thôn, bản, các hộ dân, ông Bùi Quang Hùng - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn), một trong những xã đi đầu trong việc phát triển giao thông nông thôn vui vẻ cho biết: "Chúng tôi đang đi lên từ một xã khó khăn. Sau khi có "kích cầu" của huyện, tỉnh trong việc hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, chúng tôi đã tận dụng luôn. Ngay trong 2 năm 2011 - 2012, được tỉnh hỗ trợ 100% xi măng và 2 triệu đồng/km đường, Mỹ Bằng đã triển khai đến tận các thôn, hộ, trên tinh thần lấy ý kiến, nguyện vọng của các hộ, thôn, sau đó nhận xi măng của tỉnh về phân phát cho các thôn làm".

Với cách làm sáng tạo đó, sau 2 năm, Mỹ Bằng đã làm mới được 87/103km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí của người dân đóng góp gần 20 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, chưa kể nhân dân còn hiến hàng chục nghìn m2 đất ở, đất ruộng làm đường. Không chỉ làm đường giỏi, 2 năm qua, Mỹ Bằng còn vận dụng các nguồn vốn, chương trình khác xây mới và nâng trường cấp II, cấp III và một trường mầm non với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng.

Ông Hùng chia sẻ thêm: "Trước khi triển khai một hạng mục, tiêu chí gì, chúng tôi đều đưa ra dân bàn, chấm điểm, hạng mục nào điểm cao thì làm trước. Tuy nhiên cũng phải linh hoạt, ví như người dân chưa muốn làm đường, nhưng tỉnh lại đang hỗ trợ kinh phí làm đường thì mình phải vận dụng cho phù hợp".

Những thay đổi bất ngờ nhờ có đường

Hôm chúng tôi đến, thi thoảng lại bắt gặp 2 chiếc xe khách loại 12 và 24 chỗ lượn hết xóm này đến thôn nọ. Hỏi ra mới biết, đó là xe đón trả học sinh cấp I và mầm non của anh Nguyễn Văn Thái, ở thôn Cây Quân, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Anh Thái nói về ý tưởng kinh doanh của mình: "Tôi thấy nhiều hộ bận mà cứ phải dậy sớm đưa đón con đi học vì trường xa. Khổ nhất là mùa đông, các cháu đi xe máy rất lạnh, 2 năm nay hầu như cả xã đường đã được bê tông, nếu mua xe nhận đón, trả các cháu thì rất thuận tiện". Lúc đầu, anh Thái làm xe lôi, sau dần nhiều hộ đăng ký, anh đã mua 2 chiếc xe 12 và 24 chỗ để phục vụ bà con. Học sinh cấp I đóng 100.000 đồng/tháng, mẫu giáo 150.000 đồng/tháng.

Rất khâm phục Tuyên Quang

Nói về cách làm đường giao thông của Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chia sẻ: "Tôi hết sức khâm phục khi lên Tuyên Quang. Sau gần 2 năm, từ một tỉnh nghèo, khó khăn nhưng với cách làm sáng tạo, Tuyên Quang đã làm được 1.045km đường bê tông- tức là bằng từ Hà Nội vào Quảng Ngãi. Tôi đến một xã có cả đồng bào người Kinh và Mông, mà họ làm được tới 70km đường bê tông. Hỏi ra thì được biết cách làm của họ là: tỉnh mua xi măng về, xã nào làm, đăng ký, thì tỉnh sẽ cho 175 tấn xi măng để làm 1km đường, đảm bảo rộng 3m, dày 16cm. Đây là cách làm điển hình về NTM rất cần được tuyên truyền, nhân rộng".

Chị Lê Thị Hồng, thôn Quyết Thắng chia sẻ: "Cả hai vợ chồng đều làm nông, nhưng nhiều lúc rất bận, vả lại 2 cháu lại học ở 2 trường khác nhau, nên rất mất thời gian đưa, đón. Hơn năm nay, có dịch vụ xe đưa đón các cháu, vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả hơn.

Đặc biệt, các cháu rất thích đi học, vì lên xe có đông bạn bè thì vui. Trước đây, nhiều cháu cứ bảo đi học là khóc, hoặc ngủ lì không dậy, nhưng bây giờ mẹ chỉ giục còi xe đến đón rồi là bật dậy ăn uống, chuẩn bị sách vở đến lớp ngay".

Năm 2011, Mỹ Bằng được chọn là xã điểm của tỉnh Tuyên Quang. Khi đó, Mỹ Bằng mới chỉ đạt 4 tiêu chí, nhưng hiện đã đạt 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí còn lại là, điện, cơ sở vật chất trường học, thu nhập, cơ cấu lao động và trụ sở UBND.

"Đến nay, chúng tôi đã vận động các hộ đóng góp từ 600.000 - 800.000 đồng/khẩu. Còn 5 tiêu chí, mỗi năm chúng tôi phấn đấu 2 tiêu chí, cố gắng đến năm 2015 sẽ đạt 19/19 tiêu chí" - ông Hùng cho biết.

Ngoài việc hỗ trợ "kích cầu", tỉnh Tuyên Quang còn hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, xã, thôn phải lập được kế hoạch, dự toán kinh phí và giải phóng mặt bằng. Nơi nào làm tốt sẽ được cấp xi măng làm trước.