Những mô hình kinh tế thanh niên nông thôn
- Chủ nhật - 24/02/2013 00:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi tìm hiểu hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi được anh Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Chung tay xây dựng nông thôn mới, Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển 18 mô hình hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chủ lực theo quy hoạch của tỉnh, như: Nuôi lợn, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cánh đồng mẫu của thanh niên… Tất cả các hợp tác xã thanh niên đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Cá biệt có mô hình đem lại lợi nhuận lên tới 800 triệu đồng/năm. Để có được thành công từ các mô hình trên, Tỉnh đoàn đã tập trung hỗ trợ thanh niên về khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tư vấn cho thanh niên thủ tục thành lập hợp tác xã; hướng dẫn thanh niên thủ tục nhận hỗ trợ, trợ cấp của tỉnh; hỗ trợ vốn vay bằng nguồn tạo việc làm của Trung ương Đoàn; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội…
Mô hình trồng cây ăn quả của đoàn viên thanh niên xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. |
Anh Hùng cho biết thêm, trong năm 2013, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác thanh niên ra toàn tỉnh, giúp thanh niên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Tương tự như vậy, để tìm hướng đi riêng cho mình trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp với đặc thù địa phương, đảng viên trẻ “8X” Lê Phước Nam, Bí thư Chi đoàn ấp Tân Trường (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã vận động 25 đoàn viên trong ấp thành lập các tổ hợp tác như: Làm vườn xoài, tổ hợp tác bảo vệ thực vật và tham gia phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi heo và nuôi trồng thủy sản... Vào tổ hợp tác, đoàn viên cùng hùn vốn mua chung thiết bị phục vụ sản xuất, mua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi tháng một lần, các thành viên trong tổ họp bàn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, thống nhất tìm đầu ra cho sản phẩm để tránh được mùa, mất giá.
Hiện nay, mô hình tổ hợp tác của Nam đã đem lại lợi nhuận cho anh em gần 450 triệu đồng/năm. Không những bảo đảm công ăn việc làm cho các thành viên trong tổ, mô hình còn giải quyết việc làm cho 17 lao động thường xuyên, gần 50 lao động thời vụ là thanh niên nghèo ở địa phương và các vùng phụ cận.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: "Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu nhi về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Trung ương Đoàn sẽ tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vận động, hướng dẫn thanh niên tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thanh niên nông thôn về nghề nghiệp, việc làm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp... Đồng thời phối hợp để tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp cho thanh niên…".
Bài và ảnh: BẢO HƯƠNG(.qdnd.vn)