Những người dệt ước mơ xanh
- Thứ hai - 16/01/2017 04:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Buổi sáng một ngày cuối năm 2016, bước vào vùng núi Chi Lời (Sơn Kim - Hương Sơn), tôi như thấy tâm hồn mình bay bổng trước sức sống mạnh mẽ của làng thanh niên. Lấp ló những ngôi nhà xây được phủ lên bằng bức tường vôi xanh, trắng dưới những khu đồi tĩnh mịch là dờn dợn sóng xanh những đồi chè tủa búp còn long lanh giọt sương mai thức chào nắng mới.
Sự nỗ lực trong lao động, sản xuất của các đội viên Tổng đội TNXP Tây Sơn đã tạo nên vùng kinh tế mới trù phú, ấm no.
Anh Hoàng Thế Lộc - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tây Sơn tâm sự: “Từ ngày 26/3/2003, khi có quyết định của Chính phủ cho phép Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức thành lập tổng đội, thì hàng trăm thanh niên “trống dong cờ mở” lên đây với núi rừng. Vẫn mang trong mình khí thế “đào núi, xẻ đồi”, nhưng phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thách thức bủa vây: thiếu thực phẩm, thuốc men, thiếu cả điện sinh hoạt và sách báo. Nhưng với mục tiêu đã đi là đến, thanh niên đã hành động là phải giành thắng lợi, các đội viên của Tổng đội TNXP Tây Sơn đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau”. Anh Lộc diễn giải thêm: “Ở giữa đồi, giữa núi bắt đầu thắp sáng cuộc đời mình bằng những công việc hàng ngày cụ thể nhất. Không có nhà thì chặt tre nứa, lá cọ dựng nhà; không có giếng nước, tự đào giếng; không đường đi, tìm cách mở đường. Nhưng muốn làm được những việc cụ thể hàng ngày như vậy, phải biết đoàn kết, yêu thương”.
Với tiềm năng đất dồi dào, hơn 3.631 ha đất tự nhiên được giao cho Tổng đội TNXP Tây Sơn quản lý (trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 350 ha, đất lâm nghiệp hơn 2.651 ha, phi nông nghiệp hơn 629 ha). Kế hoạch được đơn vị chỉ đạo và các đội viên hành động ngay, đó là: trồng trọt, chăn nuôi và bảo vệ rừng - những hướng đi mà nhiều tổng đội TNXP trong cả nước đã làm. Chỉ có một ước mơ giản dị là làm sao “đất nuôi cây và cây ấy nuôi người”. Làm sao trên đất hoang dã ấy sẽ xuất hiện từng đàn trâu bò đang gặm cỏ, từng con gà nhảy ổ “mỗi ngày nuôi một quả trứng hồng”. Rồi đất ấy nảy nở tình yêu, trai chưa vợ, gái chưa chồng được “xe duyên thắm chỉ”, được sống chan chứa hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ.
Câu chuyện đi lên bằng giọt mồ hôi của chính mình mà nhiều đội viên kể cho tôi nghe thật cảm động: Ngày ấy, lớp thanh niên gia nhập đội quân tình nguyện này đại đa số quê xã Hậu Lộc - Can Lộc (nay thuộc xã Ích Hậu - Lộc Hà). Họ lên đây vì quê họ quá nghèo “muốn bay không cất nổi mình mà bay”. Rồi một số thanh niên ở các vùng quê khác như Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân… hoàn cảnh cũng gieo neo không kém. Trăm bàn tay tạo dựng niềm tin, trăm ý chí tạo thành sức mạnh. Các đội viên được chia mỗi người từ 1,5-2 ha đất để trồng chè, cây ăn quả; rồi được hỗ trợ ban đầu tiền làm nhà tạm, khai khẩn... Bằng đức tính cần cù, tiết kiệm, khi màu xanh nhen dậy đồi núi Chi Lời cũng là lúc nghề chăn nuôi của các đội viên được hình thành và phát triển.
Sáng nay, trong ngôi nhà đầm ấm, được uống bát nước chè xanh hòa quyện với hương rừng, tôi nghe đội viên Hà Huy Thủy bộc bạch chuyện làm ăn, từ đôi mắt vợ đến đôi mắt chồng đều ánh lên niềm lạc quan: “Em xuất thân ở xã Tùng Lộc (Can Lộc), vì nhà quá nghèo, không được học đến nơi đến chốn như bạn bè cùng trang lứa. Mới 17 tuổi đã đi làm thuê hết trong Nam, ngoài Bắc, nhưng vẫn không nuôi nổi bản thân mình chứ nói chi đến chuyện giúp đỡ người khác. May sao, hạnh phúc đã đến với em, khi có đất này để thay đổi cuộc đời”. Hiện nay, vợ chồng anh Thủy, ngoài chăn nuôi 6 con trâu, còn đảm nhận trồng và chăm sóc hơn 4 ha cây công nghiệp như tràm, keo. Ngay tại khu nhà mình ở, anh đã dành hơn 2.000 m2 đất để trồng cam, chanh. Thu nhập từ các khoản này mỗi năm lên tới 50-60 triệu đồng.
Mùa thu hái chè búp tươi
“Láng giềng” với anh Hà Huy Thủy là vợ chồng trẻ Phan Anh Tuấn. Chị Hợi - vợ anh Tuấn khi thấy bóng khách vào thăm “trang trại nhỏ” của gia đình thì rất hồ hởi. Chị chạy ra vườn, hái “đãi” bọn tôi 2 “đặc sản cây nhà lá vườn” là cam bù và quả tắt. Hai thứ này, chị lấy giống từ dưới quê Sơn Bằng lên trồng thử nghiệm, nhưng rất hiệu quả. Chỉ nếm vài quả, chúng tôi đã đủ tin rằng, sản phẩm của gia đình chị sẽ được nhiều người ưa chuộng bởi “ngon và sạch”. Quả đúng như vậy, chỉ riêng 2 ha cam bù và tắt, mấy năm nay đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo”, giúp vợ chồng chị xây được nhà cửa khang trang nhất tổng đội, lại còn lo đủ cho 2 đứa con ăn học hàng ngày. Tại khu Chi Lời hiện nay, không chỉ có vợ chồng anh Thủy, anh Tuấn mà còn xuất hiện nhiều điển hình khác có chí hướng làm giàu, như gia đình anh Hà Huy Chính, Trần Thanh Hải, hay vợ chồng Thái Thành Long và Lê Thị Huyền.
Anh Hoàng Thế Lộc cho biết thêm, đến cuối năm 2016, đơn vị đã tiếp nhận và bố trí việc làm ổn định cho 228 hộ, với 623 nhân khẩu đến từ các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Lộc Hà.
Nhờ dám nghĩ, dám làm nên Tổng đội TNXP Tây Sơn đã trở thành “ngôi sao xanh” trong cuộc hành trình làm “cách mạng xanh” với 174 ha chè, mỗi năm sản xuất từ 650-700 tấn chè búp, hàng ngàn ha phủ kín các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Từ chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn, đơn vị đã có bước “đột phá”, thành lập 2 HTX chăn nuôi quy mô 500-1.000 con. Những thành quả này như một thông điệp xanh của mùa mới gửi đến bạn trẻ đang nuôi dưỡng những khát vọng lớn tới miền đất mới.
Theo Phan Thế Cải/baohatinh.vn