Những nông dân vượt khó làm giàu

Những nông dân vượt khó làm giàu
Trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Hà Tĩnh ngày càng có sức lan tỏa và thu hút nhiều nông dân tham gia. Từ phong trào, đã có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, chị Nguyễn Thị Tiếp ở thôn Tân Quang, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một gia đình nông dân nghèo. Bởi vậy, chị luôn tìm tòi những hình thức phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. 

 

Chị Nguyễn Thị Tiếp - Ảnh: Hội Nông dân Hà Tĩnh


Năm 2011, qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng quỹ tiết kiệm tại chỗ để đầu tư xây dựng chuồng trại, chuyển đổi đàn bò cỏ sang chuẩn hóa chăn nuôi đàn bò lai Zêbu 10 con. Để việc nuôi bò đạt hiệu quả, chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò, nên đàn bò của gia đình chị luôn khỏe mạnh.Không chỉ phát triển đàn bò, chị Tiếp còn tận dụng hơn 7ha đất vườn rừng trồng 250 gốc chanh, gốc cam và các loại cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm, trừ chi phí, chị Nguyễn Thị Tiếp thu lãi trên 150 triệu đồng.

 

Không chỉ là một điển hình trong phát triển kinh tế, trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, chị Tiếp còn thường xuyên giúp đỡ những hội viên phụ nữ nghèo có thêm kiến thức, vốn vay ưu đãi để có cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ vậy, đến nay, Chi hội phụ nữ thôn Tân Quang, xã Đức Lạng có 70 gia đình hội viên phụ nữ thì có đến 80% hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

* Anh Từ Đức Mạnh, ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những điển hình nông dân vươn lên thoát nghèo nhờ phát triển mô hình chăn nuôi gà cỏ và đà điểu. Không những vậy, anh còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác trong xã phát triển kinh tế.

Từng đi làm ăn xa quê hương nhiều năm, đến năm 2008, anh trở về quê hương tìm kế sinh nhai. Để có thể trang trải cuộc sống, anh đã thuê một quán nhỏ tại thị trấn Tây Sơn bán cháo. Số tiền ít ỏi kiếm được không đủ để trang trải cuộc sống của hai vợ chồng và các con. 

Không cam chịu cảnh sống phải lo từng bữa, năm 2011, anh Mạnh đã ra Viện chăn nuôi Vạn Phúc (Hà Nội) mua giống gà cỏ. Với số vốn ít ỏi, anh đã mua được 50 con gà. Sau khi xuất lứa đầu, anh đầu tư vốn tăng đàn gà lên 1.200 con. Từ đó đến nay, trại gà của anh có 5.000 con.

Không dừng lại ở đó, năm 2012, được một người bạn giới thiệu mô hình chăn nuôi đà điểu, anh đã quyết định ra Viện chăn nuôi Thụy Phương ở Hà Nội tìm hiểu. Tại đây, anh tham gia lớp đào tạo chăn nuôi đà điểu trong thời gian 7 tuần. Khi đã có đủ kiến thức và kỹ năng chăm sóc, anh quyết định mua 30 con đà điểu về nuôi tại Hà Tĩnh. Sau 10 tháng, anh xuất chuồng lứa đà điểu đầu tiên.

 

Từ nuôi gà và đà điểu, anh Từ Đức Mạnh thu về hơn 600 triệu đồng một năm
 (Ảnh: HM)


Với diện tích 100 m2, mỗi năm, gia đình anh Mạnh nuôi 60 con đà điểu. Sau 8 - 10 tháng chăm sóc, trọng lượng mỗi con nặng trung bình 1 tạ. Với giá cả thị trường như hiện nay, mỗi năm 2 lứa anh thu về gần 600 triệu đồng.

 

Theo anh Mạnh, bản năng giống đà điểu là 70% gia cầm và 30% gia súc. Khi đã đạt trọng lượng từ 15 kg trở lên, khả năng chịu đựng với những biến đổi ngoại cảnh của chúng cực khỏe. Trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng, chưa bao giờ có dịch bệnh đại trà đối với đàn đà điểu. Vì thế, với những người chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, việc nuôi đại trà các giống gà, lợn rất dễ xảy ra dịch bệnh hàng loạt, dẫn đến khuynh gia bại sản. Nhưng với đà điều thì cầm chắc phần thắng.

Từ nuôi gà và đà điểu, mỗi năm, gia đình anh Mạnh thu gần 1,5 tỷ, trừ chi phí đầu tư anh còn thu về trên 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhờ sự giúp đỡ tận tình của anh Mạnh, một số hộ dân trong vùng đã đẩy mạnh chăn nuôi gà cỏ và vươn lên làm giàu.

Với những nỗ lực không ngừng, gia đình anh Mạnh không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành một trong những tấm gương điển hình tiến tiến trong phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

* Sinh năm 1960, ở thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), ông Dương Thanh Tân với ý chí và nghị lực đã thoát nghèo thành công từ mô hình kinh tế trang trại vườn, ao, chuồng, rừng. Ông trở thành một trong những nông dân điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Nghi Xuân. 

Là bộ đội xuất ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, ông Dương Thanh Tân luôn trăn trở với câu hỏi: Làm sao để thoát khỏi cái đói, cái nghèo? Ông Tân đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu với mong muốn sẽ xây dựng được một mô hình kinh tế hiệu quả trên chính mảnh đất quê hương. 

Khi phát hiện vùng ven chân núi Hồng Lĩnh có đất đai đang bỏ hoang hóa, ông mạnh dạn xây dựng đề án và làm đơn đề nghị Đảng ủy, UBND xã Cương Gián cho chuyển đổi diện tích đất trang trại của tổ hợp sản xuất hợp tác xã cho gia đình ông để làm mô hình trang trại, trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, đào ao thả cá…

Đề án của ông được xã chấp nhận phê duyệt, Hội Nông dân xã tạo điều kiện giúp đỡ. Thấy còn có đất rừng bỏ trống, ông bàn với một số hộ gia đình trong thôn cùng làm đơn xin UBND xã và Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân giao đất trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc.

Khi đã có đất, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện và Ngân hàng Chính sách huyện Nghi Xuân tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, ông cải tạo đất hoang hóa trồng 20 ha các loại cây công nghiệp và cây ăn quả; đồng thời, xây dựng trang trại nuôi bò, dê, lợn… Trang trại của ông thu hút 10 lao động, có việc làm ổn định với mức thu nhập 3 triệu đồng mỗi người/tháng.

Trong quá trình sản xuất, gia đình ông gặp phải rủi ro vì thiên tai tàn phá. Vào năm 2010, do mưa bão kéo dài, trang trại bị thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng. Toàn bộ vốn liếng, công sức đầu tư vào trang trại bị mất trắng. Ông Tân lâm vào cảnh điêu đứng vì nợ nần. Với phẩm chất của người lính cụ Hồ, không nản chí trước những khó khăn, ông Tân tiếp tục vay vốn đầu tư sản xuất, lấy phương pháp trồng trọt kết hợp chăn nuôi để phát triển trang trại.

Nhờ có kế hoạch hợp lý, đến nay, hàng năm, trang trại của ông cho thu lãi trên 200 triệu đồng.Không chỉ làm giàu giỏi, ông Tân còn tích cực tham gia các phong trào xã hội tại địa phương, như: Tham gia đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, hoạt động đền ơn đáp nghĩa và ủng hộ người nghèo…

Với sự quyết tâm, chịu khó, tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất quê hương, anh Từ Đức Mạnh, chị Nguyễn Thị Tiếp và ông Dương Thanh Tân đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những nông dân điển hình trong phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2015. Họ cũng là những hạt nhân quan trọng góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh./.

Nguồn: dangcongsan.vn