Nông thôn mới của Thạch Hà phải kết nối với đô thị
- Thứ năm - 31/05/2018 10:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết các Nghị quyết về "tam nông" do huyện Thạch Hà tổ chức chiều ngày 31/5, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận việc người dân đã là chủ thể hay chưa, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân hiện nay có thực sự được nâng lên?
Trong sản xuất có bao nhiêu sản phẩm truy xuất nguồn gốc thật, bao nhiêu doanh nghiệp gắn bó lâu dài với nông dân; vấn đề môi trường nông thôn, quản lý và duy tu bảo dưỡng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như thế nào?
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Thạch Hà phải xác định nông thôn mới của địa phương phải kết nối đô thị, quy hoạch đô thị và đô thị trong nông thôn; sản xuất của Thạch Hà là sản xuất vùng kết nối đô thị.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, mỏ sắt Thạch Khê sẽ dừng hẳn nên Thạch Hà cần chủ động xây dựng các xã về đích NTM trước năm 2020. Huyện cần quan tâm thực hiện tốt các nghị quyết với trung tâm là nông dân. Chú trọng thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. NTM phải thành những vùng quê đáng sống, gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định mọi nhiệm vụ thành công thì cốt lõi vẫn là cán bộ. Cán bộ ở Thạch Hà phải luôn đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm, biết cách làm và thạo việc.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thạch Hà ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn huyện.
Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 506 tiêu chí đạt chuẩn, 14 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 12 tiêu chí; 3 xã Tượng Sơn, Thạch Liên, Thạch Long đang xây dựng NTM kiểu mẫu. Huyện phấn đấu trong năm 2018 có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và thêm 7 xã đạt chuẩn NTM.
Năm 2017, toàn huyện có 27.000 vườn hộ cho thu nhập từ 10 - 120 triệu đồng/năm; có 258 vườn mẫu, 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, dần hình thành những miền quê đáng sống.
Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện Thạch Hà xây dựng 1.221 mô hình kinh tế hiệu quả cao, phát triển mang tính bền vững. Một số mô hình nổi trội như: Mô hình nuôi tôm trên cát, nuôi cá lồng bè; mô hình sản xuất rau - củ - quả theo hướng Vietgap; mô hình sản xuất cánh đồng mẫu, chăn nuôi lợn tập trung; mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, bún bánh, tăm tre xuất khẩu, chế biến thủy hải sản...
Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 29 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng 45%, thương mại - dịch vụ 34%. Văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến, quốc phòng - an ninh được giữ vững...