Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 10.000 doanh nghiệp
- Thứ hai - 09/03/2015 05:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2014, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp tỉnh đạt mức cao, đứng tốp đầu cả nước; thành lập mới 596 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện. Đây cũng là năm Hà Tĩnh thành lập DN cao nhất từ trước tới nay, tăng 13% so với năm 2013 (bình quân cả nước giảm 2,7%). Tính đến ngày 1/3/2015, toàn tỉnh có 4.216 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó, số doanh nghiệp hoạt động ổn định là 3.200 đơn vị.
Năm 2014, tổng số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi chiếm 63,92%, số doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 20,61% và có 15,47% số doanh nghiệp kinh doanh không lãi, không lỗ...
Cũng theo số liệu thống kê, đến nay, cả tỉnh có 790 hợp tác xã, vốn điều lệ bình quân trên 1,2 tỷ đồng/HTX và 54.964 hộ kinh doanh cá thể; doanh thu của khu vực kinh tế tập thể đạt trên 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2,5 vạn lao động; có 76 HTX đạt tiêu chí HTX mạnh với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, lợi nhuận đạt trên 40 tỷ đồng/năm.
Theo lộ trình, đến nay, toàn tỉnh đã cổ phần hóa 49 doanh nghiệp nhà nước, chỉ còn 6 doanh nghiệp đang giữ 100% vốn nhà nước. Thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sau khi tiến hành CPH, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh tiếp tục việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại nhân sự đại diện phần vốn tổng công ty, chấm dứt thành viên HĐQT, Tổng giám đốc là thành viên của các công ty con. Việc sắp xếp, cơ cấu lại các công ty thủy lợi, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các trung tâm nước sạch các huyện, thành phố, thị xã thuộc Công ty TNHH MTV cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh và tái cơ cấu lại các công ty lâm nghiệp được triển khai kịp thời, đúng quy trình và phát huy tốt hiệu qủa hoạt động.
Đối với công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương ban hành hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, toàn diện nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Các ý kiến tại buổi làm việc đánh giá cao đóng góp quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các dấu ấn trong tăng trưởng nguồn vốn đầu tư, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, xây dựng NTM. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp lớn trên địa bàn vẫn còn ít, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; cơ cấu ngành nghề chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, có tiềm năng và lợi thế của địa phương; một số doanh nghiệp chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn; công tác quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp còn yếu…
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh trong những năm qua đã có bước tăng trưởng nhanh cả về chất và lượng, tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả tỉnh có 1 vạn doanh nghiệp và HTX, mỗi xã/phường, mỗi năm tăng ít nhất từ 3 - 5 doanh nghiệp, 4 - 6 HTX. Bởi vậy, các địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách, kết cấu hạ tầng đồng bộ; tiếp tục quan tâm, ưu tiên công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động.
Mặt khác, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tập trung rà soát các thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo không cần thiết để cắt giảm 1/3 thủ tục và 1/2 thời gian cho doanh nghiệp; tăng cường xây dựng chiến lược phát triển hợp lý, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quản trị doanh nghiệp gắn kết doanh nghiệp của mình vào các chuỗi giá trị.
Đồng thời với đó cần xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện có hiệu quả kết luận Hội nghị lần thứ 26 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII và kế hoạch 573 của UBND tỉnh; khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến…
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB và tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn các công trình, dự án; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM; đẩy mạnh phong trào ra quân làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng..., tạo khí thế thi đua sôi nổi, sâu rộng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Năm 2014, Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 58 dự án (48 dự án trong nước và 10 dự án nước ngoài) với tổng số vốn 6.517 tỷ đồng và 42,5 triệu USD, đưa tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến 31/12/2014 là 377 dự án, trong đó có 322 dự án đầu tư trong nước với số vốn 77.536 tỷ đồng và 55 dự án nước ngoài với số vốn 10.557,2 triệu USD. |
Theo baohatinh.vn