Phân tích, rà soát nguồn để có kế hoạch thu ngân sách đạt hiệu quả cao
- Thứ hai - 10/08/2015 09:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tính đến ngày 7/8, tổng thu ngân sách nội địa toàn ngành đạt 3.838 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại (đạt 55% kế hoạch năm tỉnh giao, 88% kế hoạch trung ương giao và 169% so với cùng kỳ). Riêng tổng thu ngân sách các địa bàn thuộc đoàn giám sát số 3 quản lý đạt 1.012,922 tỷ đồng, trong đó, thành phố Hà Tĩnh 400,733 tỷ đồng (đạt 56% kế hoạch, tăng 15% so cùng kỳ); Nghi Xuân 59,549 tỷ đồng (đạt 52% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ); Can Lộc 68,570 tỷ đồng (đạt 64,93% kế hoạch, tăng 39% so với cùng kỳ); Hương Khê 30,290 tỷ đồng (đạt 45% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ); Lộc Hà 38,144 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ).
Tổng số nợ đọng thuế trên 5 địa bàn tính đến ngày 7/8 là 99,544 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu 18,466 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 2,675 tỷ đồng, nợ có khả năng thu 78,403 tỷ đồng. Mặc dù cơ quan thuế đã tiến hành mời đơn vị nợ đọng lên làm việc để cam kết nộp nợ và đã tiến hành cưỡng chế đối với các doanh nghiệp có số nợ đọng thuế trên 90 ngày nhưng hiệu quả vẫn không cao do DN không có tiền trong tài khoản.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã phân tích rõ những khoản thu đạt và chưa đạt, đồng thời tập trung bàn các giải pháp tăng thu trong thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra là phân tích, đánh giá nguồn thu trên địa bàn để tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả; tăng cường công tác giám sát, kê khai để phát hiện các trường hợp kê khai sai, các dấu hiệu trốn lậu thuế để tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất; triển khai quyết liệt các biện pháp thu nợ có hiệu quả, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng tiền thuế…
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong: Số nợ thuế của địa phương khá cao (13,850 tỷ đồng), trong đó có 6,1 tỷ đồng là nợ khó thu nên chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ gửi cơ quan công an xử lý. |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá khá cao kết quả thu của các địa phương thuộc đoàn giám sát so với mặt bằng chung toàn tỉnh, nhất là một số tổ công tác chỉ đạo ở Lộc Hà, Nghi Xuân đã quyết liệt, sâu sát trong công tác chung, góp phần tăng thu cho địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế như một số tổ công tác bán sát địa bàn chưa đều; phối hợp giám sát, tham mưu cho UBND cấp huyện chưa cụ thể; số nợ đọng nhìn chung còn cao…
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho đoàn giám sát khá nặng nề, tổng thu từ nay đến cuối năm còn 478,758 tỷ đồng. Do đó, đoàn giám sát cần tăng cường tổ chức thực hiện, phân công phân nhiệm cho từng thành viên trong tổ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, có báo cáo kịp thời, đề xuất những việc làm cụ thể; ngành thuế cần chỉ đạo các chi cục phân tích, đánh giá các nguồn thu để triển khai thực hiện hợp lý; tăng cường các biện pháp thu nợ.
Ngoài ra, các ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nội tỉnh để góp phần tăng thu; quản lý chặt các khoản phát sinh, hóa đơn bán hàng từ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh;…
Theo Thành Chung/baohatinh.vn