Phát triển chăn nuôi bò: Từ truyền thống đến chuỗi giá trị sản phẩm

Để xây dựng 1 trong 5 ngành hàng hóa tiềm năng trong vùng mục tiêu Dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh (CIDA) nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là nông dân nghèo. Được sự hỗ trợ của dự án CIDA, Tiểu ban quản lý dự án tại Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình chuỗi sản phẩm bò.

     Với mục tiêu nâng cao sản lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm bò thông qua việc hỗ trợ người chăn nuôi: thành lập, củng cố Tổ hợp tác (THT)/Hợp tác xã (HTX), đầu vào và tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi bò nái và bò thịt chất lượng cao, năng suất cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, nhờ đó cải thiện thu nhập, tạo ra và mở rộng cơ hội phát triển kinh tế cho nam giới và phụ nữ nông thôn nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh, năm 2014 Tiểu ban quản lý dự án bắt đầu thực hiện chuỗi sản phẩm bò ở 3 xã Thạch Sơn, Thạch Thanh, Phù Việt với các nội dung như thành lập tổ hợp tác, tập huấn, hỗ trợ con giống, làm chuồng và trồng cỏ cho 60 hộ tham gia mô hình tại 3 xã.
Năm 2015, nhằm đạt mục tiêu đề ra, Tiểu ban quản lý dự án tại Trung tâm Khuyến nông tiếp tục mở rộng chuỗi sản phẩm bò ra 2 xã Kỳ Lâm, Kỳ Tây huyện Kỳ Anh với 60 hộ tham gia. Với mục tiêu đạt được vào cuối năm 2016 là mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo chuỗi giá trị qui mô 5 con/hộ; cung cấp sản phẩm bê, bò thịt hơi đạt chứng chỉ VSATTP cho thị trường, tiến đến tham gia vào phân khúc thịt bò sạch. Các báo cáo tổng kết, băng đĩa hình ảnh, các hướng dẫn tổ chức nông dân và các đề xuất đổi mới chính sách được thông qua bởi Sở Nông nghiệp & PTNN và bước đầu được sử dụng nhân rộng.
Chăn nuôi bò ở xã Kỳ Lâm và Kỳ Tây là nghề truyền thống từ lâu nên người dân có nhiều kinh nghiệm, trong khi đó thịt bò nuôi nơi đây có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Từ trước đến nay, với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên chăn nuôi bò được xác định là một bộ phận chính trong cơ cấu phát triển chăn nuôi của 2 xã. Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi loại gia súc này chưa phát triển theo đúng với tiềm năng, lợi thế của xã; công tác quản lý giống gia súc trên địa bàn chưa chặt chẽ, vẫn còn việc giao phối tự do không có kiểm soát dẫn đến hiện tượng đồng huyết nên tăng trưởng số lượng bò còn bị hạn chế; đầu tư về phát triển chăn nuôi, trình độ chăn nuôi của địa phương ở mức thấp và yếu... Mặt khác, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu bằng hình thức bán buôn, bán lẻ cho thương lái tại các chợ trong địa bàn huyện hoặc các huyện lân cận.
Vì vậy xây dựng mô hình với việc thành lập THT chăn nuôi bò tại các xã và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phẩn Mitraco sẽ giúp người nông dân ổn định chăn nuôi. Là việc làm cần thiết để bảo đảm chăn nuôi bò ở xã triển khai mô hình phát triển đúng với tiềm năng hiện có và những tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị bò (người chăn nuôi, người thu gom, giết mổ và chế biến thịt bò) sẽ có thu nhập ngày một tăng, đặc biệt là nông dân nghèo, phụ nữ làm chủ kinh tế tại hộ chăn nuôi khó khăn.
Mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bò trước mắt là nhằm hình thành các THT chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao, cung cấp thịt bò và giống bò tốt cho thị trường. Từng bước nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các thành viên trong THT chăn nuôi bò, đẩy mạnh việc cung cấp bò ra thị trường.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ người dân tham gia chuỗi giá trị bằng các biện pháp như: chuyển dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường về thịt và giống; nâng cao năng lực về kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, chế biến, dự trữ cỏ cho các hộ chăn nuôi; xây dựng kênh tiêu thụ bền vững với các khách hàng hiện có, đồng thời luôn luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ khác để bảo đảm bò cung cấp cho thị trường ổn định.
Thành lập THT chăn nuôi bò kết hợp đào tạo nghề chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản và nghề thú y; tập huấn kỹ năng hạch toán kinh tế trong sản xuất nông hộ, nhận thức thị trường và phương pháp phân tích chuỗi giá trị cho các xã viên THT. Bên cạnh đó, dự án sẽ tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, hỗ trợ vật tư, giống, phân bón cho mô hình trồng cỏ cho các hộ nghèo, cận nghèo, cũng như phương pháp chế biến, dự trữ thức ăn cho mùa đông, mùa mưa cho các hộ mới tham gia THT.
Với việc mở rộng phát triển chuỗi giá trị bò thịt tại các xã Kỳ Lâm và Kỳ Tây, dự kiến sẽ có 60 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi. Các hộ này sẽ được hỗ trợ bò cái, hỗ trợ giống, phân bón để trồng cỏ, thuốc thú y và thức ăn cho bò cái chửa, kỹ thuật chăn nuôi bò, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Dự kiến sau 2 năm các hộ cận nghèo và nghèo của 2 xã tham gia trong chuỗi giá trị bò sẽ trở thành các hộ có thu nhập khá.
 Theo sonongnghiephatinh.gov.vn