Phát triển công nghiệp phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn môi trường
- Thứ năm - 19/10/2017 03:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại” (sau đây gọi tắt là đề án) do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Đề án là đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 85.000 - 90.000 tỷ đồng (giá so sánh 2010) với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22%/năm; giá trị tăng thêm đạt khoảng 26.000 - 28.000 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm. Giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 - 75.000 lao động. Hình thành một số ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các ngành cơ khí, chế tạo, dệt - may, điện tử, chế biến lâm sản.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Cần điều chỉnh quy mô, công suất phù hợp và lộ trình triển khai hợp lý đối với các dự án công nghiệp trọng điểm bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn môi trường, an sinh xã hội, nhất là sau khi đã đánh giá khả năng chịu tải của môi trường.
Đề án cũng đặt mục tiêu thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp đạt khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp phấn đấu đạt trên 2 tỷ USD với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như sắt, thép, gỗ, dệt may... Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt trên 19.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10 - 12%; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 70% và các cụm công nghiệp đạt trên 85%.
Kinh phí thực hiện Đề án đến năm 2025 khoảng 2.818 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn đầu tư của các dự án sản xuất công nghiệp), trong đó từ ngân sách nhà nước khoảng 435 tỷ đồng và từ xã hội hóa khoảng 2.383 tỷ đồng.
Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Từ Văn Diện: Đề án cần phân tích, làm rõ thêm có rà soát đánh giá mục tiêu phù hợp với chủ trương, quy hoạch phát triển KT-XH điều chỉnh. Giải pháp nêu rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Tại cuộc họp, các đại biểu tình cao với việc xây dựng đề án. Việc xác định phát triển kinh tế, trong đó chủ đạo là phát triển công nghiệp bảo đảm bền vững, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Hà Tĩnh cần phải hướng tới. Điều này cũng đã được khẳng định tại các văn bản, nghị quyết quan trọng của Đảng bộ và chính quyền các cấp
Phân tích, làm rõ những nội dung đề án, các đại biểu cho rằng đề án khá toàn diện, đã đánh giá sát thực trạng phát triển CN, cụm CN trên địa bàn thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng: Những năm đầu nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn. Bàn đề án để có kết luận chỉ đạo việc này là cần thiết. Đề án cần bổ sung hoàn chỉnh hơn, đầy đủ hơn; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường ở các cụm công nghiệp.
Về mục tiêu đề án, các đại biểu lưu ý phải bám sát, phù hợp với quy hoạch KT-XH, quy hoạch chung (đang điều chỉnh) của tỉnh. Điều chỉnh quy mô, công suất phù hợp và lộ trình triển khai hợp lý đối với các dự án công nghiệp trọng điểm bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn môi trường, an sinh xã hội sau khi đã đánh giá khả năng chịu tải của môi trường.
Về giải pháp để thực hiện mục tiêu đề án, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục tạo sức lan tỏa từ các dự án CN đã có. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp cần chú trọng đến giải pháp bảo vệ môi trường, tạo tính bền vững; lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, thiết bị, công nghệ hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Nhìn nhận rõ thực trạng phát triển một số ngành công nghiệp như: thép, nhiệt điện... trong quá khứ cũng như tương lai để có định hướng, đặc biệt lưu ý phải đảm bảo môi trường bền vững. Để triển khai, thực hiện đề án hiệu quả, cần thiết phải ban hành nghị quyết
Bên cạnh đó, trong giải pháp cũng cần nhấn mạnh đến công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực tế đã chứng minh, khi dự án Formosa vào hoạt động, nhiều vị trí đòi hỏi lao động kỹ thuật cao nhưng lao động Hà Tĩnh chưa đáp ứng được.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo tính liên kết vùng, khu vực và cả nước, từ đó đề ra các giải pháp về thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; phát triển nguồn nhân lực nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hà Tĩnh theo hướng bền vững, hiện đại.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của BTV, bổ sung, hoàn thiện đề án, trong đó lưu ý bố cục, nội dung phải đảm bảo toàn diện CN – TTCN; cần đánh giá sâu hơn về thực trạng, kết quả thời gian qua; phần giải pháp phải cụ thể, đồng bộ.
Thanh Hoài
http://baohatinh.vn