Phát triển công nghiệp vẫn là lợi thế cạnh tranh của Hà Tĩnh
- Thứ ba - 21/08/2018 02:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự án “rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) làm tư vấn.
Theo hợp đồng tư vấn được ký giữa Ban Quản lý dự án và Công ty BCG, sản phẩm cuối cùng của dự án sẽ được Công ty BCG bàn giao để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trước ngày 29/01/2019.
Sau các buổi làm việc, góp ý về những hạn chế trong quá trình khảo sát, đánh giá thực trạng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đội ngũ tư vấn Công ty BCG đã tăng cường đi thực tế tại các địa phương để nắm rõ hơn tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, công thương, văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế.
Theo BCG, nhìn về tương lai, một “Hà Tĩnh xanh” thông qua phát triển bền vững. “Hà Tĩnh từng chịu hậu quả của sự cố môi trường và đã có kinh nghiệm khắc phục sự cố. Vì vậy, cần biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như một lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh” - Tổng Giám đốc điều hành BCG Việt Nam, Giám đốc Phát triển Kinh tế toàn cầu Christopher Malone nói.
Theo đó, BCG đề xuất 3 trụ cột phát triển gồm: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo gắn với đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Về trụ cột du lịch: Hà Tĩnh có tiềm năng lớn để xây dựng quần thể du lịch xung quanh khu lưu niệm Nguyễn Du. Quần thể du lịch văn học/nghệ thuật đem đến những giá trị khác biệt, dưa bản sắc của Hà Tĩnh đến với bạn bè quốc tế và ngược lại.
Trụ cột nông nghiệp: Xây dựng ngành nông nghiệp cho tương lai đòi hỏi những thay đổi rõ rệt trong 5 yếu tố then chốt: giảm các hoạt động manh mún, tăng chất lượng, đào tạo người nông dân, kết nối với nhu cầu thị trường, đảm bảo tính bền vững.
Trụ cột công nghiệp chế biến, chế tạo: đa dạng hóa trong công nghiệp chế tạo, chế biến có thể đạt được bằng việc đẩy mạnh những ngành sẵn có, mở rộng cụm ngành sản xuất hậu thép và tận dụng công nghiệp 4.0 để thu hút những ngành công nghiệp mới.
Trước những đề xuất về định hướng phát triển KTXH Hà Tĩnh của tư vấn BCG, các đại biểu dự họp còn những băn khoăn về kịch bản tăng trưởng, xác định thứ tự các trụ cột ưu tiên, đồng thời đề nghị BCG đánh giá sâu hơn, làm nổi bật mặt mạnh, mặt yếu, lợi thế và sự khác biệt của Hà Tĩnh so với các tỉnh khác trong khu vực (về địa chính trị, văn hóa, con người, chính sách…).
Đại biểu cho rằng phát triển công nghiệp sản xuất thép, hậu thép, điện, cảng biển… mặc dù có những yếu tố bất lợi nhưng vẫn là lợi thế cạnh tranh của Hà Tĩnh. Vấn đề là phải kiểm soát được môi trường. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển. Đây là lợi thế để phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản… Những thế mạnh này, tư vấn cần lưu ý lựa chọn đưa vào kế hoạch phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu tư vấn tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, chỉ đạo của tỉnh tại các cuộc làm việc trước cũng như tại buổi làm việc này. Kịch bản mô hình tăng trưởng, các trụ cột phải nêu rõ, điều quan trọng quan điểm tư vấn như thế nào, vì sao phải bảo vệ quan điểm đó.
Về đề xuất “Hà Tĩnh xanh” - bước khởi động cho giai đoạn phát triển của tư vấn, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, phát triển “Xanh” không có nghĩa là loại bỏ công nghiệp. Phát triển công nghiệp sản xuất thép, hậu thép, điện, cảng biển… mặc dù có những yếu tố bất lợi nhưng vẫn là lợi thế cạnh tranh của Hà Tĩnh. Tư vấn cần lưu ý những ý kiến của đại biểu về thế mạnh công nghiệp thép, hậu thép, cảng biển nước sâu….
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các bên liên quan phải tuân thủ nguyên tắc hợp đồng đã ký kết, đặc biệt phải đảm bảo về chất lượng đội ngũ làm tư vấn, thời gian hoàn thành dự án.
Về mỏ sắt Thạch Khê, tư vấn cần làm rõ, đưa ra luận cứ khoa học nên hay không nên khai thác? Bởi điều đó có ảnh hưởng gì đến tình hình phát triển KTXH của Hà Tĩnh.