Phát triển giao thông trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh
- Thứ hai - 21/09/2015 05:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân tổ liên gia 6 (Tổ dân phố 1, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh) hiến hơn 150 m 2 đất phố làm đường giao thông |
3.925 km đường GTNT với tổng số vốn đầu tư tương ứng gần 6.000 tỷ đồng cùng hàng ngàn km đường cấp phối được xây dựng là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong 5 năm qua (2010-2015). Trong đó, có xấp xỉ 2.357 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, tỉnh và huyện, 1.452 tỷ đồng huy động nhân dân đóng góp và 8,3 triệu ngày công của người dân; số còn lại tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn huy động xã hội và các dự án lồng ghép khác.
Điều đáng nói, trong số 3.925 km, có đến hơn 2.000 km được tỉnh cấp từ 30-60% xi măng. Trong khi các tỉnh, thành khác mức hỗ trợ xi măng chỉ mang tính tượng trưng thì Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ mức tối đa 60% để các xã có điều kiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí GTNT trong xây dựng NTM. 2015 là năm thứ 7 liên tiếp, cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh được Chính phủ, Bộ GTVT tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen trong phong trào toàn dân làm GTNT.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư, những năm qua, các địa phương đã tích cực huy động sự đóng góp của nhân dân và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư, từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Nhờ đó, mạng lưới GTNT có sự chuyển biến cơ bản về số lượng và chất lượng, nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa, tỷ lệ đường đất giảm dần, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, đồng thời, phục vụ công tác xây dựng NTM. Phong trào toàn dân xây dựng đường GTNT đã thu được kết quả toàn diện. Bình quân mỗi năm, tỉnh ta xây dựng được 700-800 km đường GTNT bằng bê tông xi măng.
Bà con xã Yên Hồ (Đức Thọ) làm đường GTNT theo tiêu chí nông thôn mới. |
Bên cạnh đóng góp của người dân, chính quyền địa phương, còn có sự chung tay, góp sức của ngành GTVT tỉnh nhà. Hàng năm, với vai trò chủ công, sở đã tham mưu UBND tỉnh phát động phong trào toàn dân làm GTNT theo tiêu chí NTM, đồng thời, xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng. Cùng đó, Sở GTVT còn cung cấp hồ sơ thiết kế mẫu cho các địa phương thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT theo tiêu chí NTM của Bộ GTVT; hướng dẫn các địa phương phân loại đường, quy trình thực hiện trong xây dựng và quản lý, bảo trì đường GTNT. Để đạt hiệu quả cao, Sở GTVT còn thành lập tiểu ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM ngành GTVT; phân công các thành viên trong Ban Giám đốc và các phòng, ban trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra.
Trong 2 năm liên tục 2014-2015, Sở GTVT đã tổ chức tập huấn về “Xây dựng, quản lý và bảo trì đường GTNT” cho 644 cán bộ phụ trách giao thông cấp huyện, xã; tập huấn về quy mô kỹ thuật, các tiêu chuẩn thiết kế, quy trình quản lý chất lượng, quản lý, bảo trì hệ thống đường GTNT cho cán bộ phụ trách giao thông cấp huyện, xã, bí thư, xóm trưởng ở các huyện, thị, thành phố. Trong các tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí GTNT cần rất nhiều nguồn vốn; đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và nhân dân. Bởi vậy, bên cạnh nguồn vốn huy động từ nhân dân theo phương châm “GTNT là công trình của dân, do dân làm, do dân kiểm tra”, các huyện còn tranh thủ tối đa nguồn vốn từ ngân sách T.Ư, bộ, ngành; lồng ghép có hiệu quả từ các chương trình, dự án.
Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, tỉnh đã phân cấp đầu tư cho các huyện, thành, thị từ duyệt thiết kế dự toán đến nghiệm thu thanh quyết toán. Sở GTVT là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm cung cấp thiết kế mẫu các loại đường, định mức vật tư, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật. Khi thi công, ngoài sự giám sát của cơ quan chuyên môn, còn có sự giám sát của các đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng, từ việc quản lý vật tư đến việc thanh quyết toán công trình. Vì vậy, chất lượng các công trình được đảm bảo, phát huy hiệu quả. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành quan tâm chú trọng phát triển GTNT theo quy hoạch, gắn với nâng cấp các tuyến đường hiện có; phát triển giao thông đi đôi với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất.
Thực hiện có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương đã vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung sức người, tiền bạc và trí tuệ của toàn dân để xây dựng, nâng cấp mạng lưới GTNT. Mạng lưới GTNT trong tỉnh được nâng cấp, mở rộng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.