Phát triển thương hiệu nhung hươu Hương Sơn.
- Thứ hai - 31/07/2017 00:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Thần dược” có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư
Nhung hươu là sừng của hươu đực mọc lên, theo chu kỳ hằng năm. Nhìn bên ngoài nhung hồng hào, có lông, sờ vào êm như nhung nên gọi là nhung hươu, bên trong chứa rất nhiều mạch máu. Khi cắt nhung người cắt thường lấy máu nhung (huyết nhung) để ngâm rượu, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Nhung hươu được mọi người biết đến là một loại thần dược quý hiếm, chữa trị được nhiều căn bệnh khác nhau. Một thành viên Rick Chistie trong nhóm ngiên cứu New Zealand đã có một cuộc khảo sát tại Hàn Quốc khẳng định nhung hươu có tác dụng trong việc hỗ trợ, điều trị ung thư. Cũng theo tài liệu y học của Hải Thượng Lãn Ông viết: “Lộc nhung bổ tinh huyết nguyên dương nhanh hơn, lợi tiểu, tinh tiết, đi tiểu ra máu, đau lưng, chân và đầu gối thiếu sức lực, mộng tinh, di tinh”.
Nhung hươu ngày càng được mọi người biết đến với nhiều công dụng đặc trị bệnh từ trẻ em đến người già. Đối với trẻ em cói xương, chậm lớn thì sử dụng phần ngọn nhung rất tốt vì nhung hươu có nhiều vi chất phát triển sức khỏe và chiều cao, tăng sức đề kháng. Cách sử dụng xay nhung thành bột nhỏ, đem nấu với cháo, mỗi ngày ăn 1 lần. Người già dùng phần cuống nhung công dụng tăng cường cho sức khỏe, bồi bổ, trị mất ngủ, giảm strees, chống viêm, chữa đau khớp, lợi tiểu, tăng cường miễn dịch và chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, cũng có thể thái lát nhung thành từng miếng mỏng, sau đó hấp vào nồi cơm điện, hay có thể ngâm với mật ong hoặc rượu uống ngay sau bữa ăn 10-20ml/ngày. Đàn ông thì dùng phần giữa nhung, có tác dụng dành cho những người suy giảm chức năng sinh lý dùng nhung hươu để tăng cường sinh lý, tăng số lượng và chất lượng tinh trùng. Cách sử dụng ngâm rượu uống hằng ngày, uống hết rượu, lấy bã tán mịn, vò thành viên uống tiếp.
Nuôi nhung hươu thu nhập 200 triệu/năm
Hươu là một loại vật nuôi dễ chăm sóc, vì có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là cỏ, lá rừng nên rất hợp với địa hình vùng núi. Hươu được nuôi tập trung và có quy môi lớn tại các xã Sơn Ninh, Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Lĩnh, Sơn Kim… hầu như nhà nào cũng nuôi ít nhất 3 con. Hươu được các hô chăn nuôi theo bầy đàn, trong một mô hình chăn nuôi thường đủ hai loại là hươu đực và hươu cái để nhằm phát triển giống, giúp tăng số lượng đàn.
Xã Sơn Giang, được xem là một trong những xã có số lượng đàn hươu nhiều nhất huyện, bằng việc xây dựng các đề án chăn nuôi tập trung. “Sau khi nhà nước hỗ trợ đề án tổng hợp nuôi hươu, từ lúc đầu nuôi có 2 con giờ chúng tôi tăng số lượng hươu lên đến 15 con. Thu nhập của gia đình tôi từ nuôi hươu khoảng 100 triệu đồng/năm” – Ông Nguyễn Văn Liên (người dân trong xã) cho hay.
Hiện tại xã Sơn Giang đã lập ra một tổ hợp tác xã chuyên cung cấp nhung và hươu giống, nhằm phát triển số lượng đàn hươu, cũng như tăng tính chuyên môn hóa trong sản xuất chăn nuôi. Hiện tại thu nhập từ nghề nuôi hươu chiếm 50% tổng giá trị ngành chăn nuôi của xã. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi.
Anh Nguyễn Văn Quang (Thôn 10, xã Sơn Giang) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi nuôi 25 con hươu, trong đó có 17 con lấy nhung, hằng năm gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Nhiều năm trở lại đây nhung hươu Hương Sơn có thương hiệu, nên thương lái tận ngoài bắc tới thu mua tại nhà, nên bán cũng rất được giá.. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình được ổn định hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Đào nuôi hươu 30 chục năm nay với số lượng đàn hươu hơn 50 con hươu cả lớn, bé; thu hoạch từ nuôi hươu của gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/ năm.
Ông Đào chia sẻ cách chọn, nuôi giống hươu có nhung: “Muốn có cặp nhung đẹp, vừa lòng với khách hàng không chỉ dựa vào giống hươu mà còn phải có kinh nghiệm như chọn ngày cắt, trong thời gian lộc nhung đang phát triển phải cho ăn đầy đủ thức ăn, không để hươu bị đói. Cắt nhung phải xem nhung đã cắt được hay chưa, nếu nuôi quen chỉ nhìn bằng mắt thường là biết. Nhung hươu không để dài ngày quá nhung sẽ bị cứng và khô, màu nhung không được hồng hào nữa. Thường chu kỳ nhung hươu từ ngày bắt đầu mọc sừng đến ngày cắt thông thường là 2 tháng sẽ cắt”.
Trung bình mỗi năm một con hươu chỉ cắt được 2 lần nhung, mỗi cặp nhung bình thường dao động từ 3-7 lạng, còn cặp nào khủng là 1,5kg. Mùa nhung hươu bắt đầu từ tháng 1 đến hết tháng 3, vụ mùa thường dao động trong vòng 3 tháng, giá thành nhung trong vụ mùa thường sẽ rẻ hơn so với những ngày bình thường. Trong vụ khách hàng trong cũng như ngoài tỉnh đều đổ xô về mua, người thì mua dành làm quà, người thì mua với mục đích để sử dụng. Thời gian này cũng là lúc các nhà máy chế biến, thương lái cũng tìm về để thu mua.
Cần hướng đi hiệu quả để phát triển thương hiệu
Chăn nuôi hươu ở Hương Sơn trong những năm qua mang lại hiểu quả kinh tế rất cao, được xem là hướng đi chủ lực trong sự phát triển kinh tế của huyện ở những năm tiếp theo.
Ông Võ Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: “Ngành chăn nuôi hươu đã phát triển từ lâu, trở thành một ngành chăn nuôi truyền thống. Tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương, chúng tôi khuyến khích nhân dân tăng gia phát triển mô hình, gia tăng số lượng đàn chăn nuôi lên. Hiện tại địa phương sẽ chú trọng trong việc xây dựng quảng bá thương hiệu một cách bài bản với chiến lược phát triển lâu dài, trở thành một sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của vùng”.
Môi trường sống của Hươu không cần đầu tư chuồng trại nhiều
Từ năm 2012 đến nay số lượng đàn hươu tăng rõ rệt nhờ áp dụng đề án hỗ trợ phát triển theo mô hình chăn nuôi bầy đàn, số lượng đề án hỗ trợ ước tính từ 10 con trở lên. Hộ chăn nuôi trên 50 con được nhà nước hỗ trợ cho 200 triệu đồng, còn các hộ nuôi dưới 50 con được hỗ trợ mỗi con 1 triệu đồng. Nhà nước còn tạo điều kiện cho người chăn nuôi được vay vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Trên toàn huyện có hơn 1.000 hộ nuôi hươu với tổng đàn hươu lên đến gần 30.000 con.
Ông Lê Quang Hồ – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, trong năm 2015, toàn huyện có 32.119 con hươu, thu về khoảng 10 tấn nhung, định hướng trong năm 2016 sẽ phải đạt 42.000 con và thu được sản lượng cao hơn. Để phục vụ cho sự phát thương hiệu nhung hươu, huyện Hương Sơn đã xây dựng nhà máy chế biến nhung hươu Sơn An. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, chế tạo ra các lại thuốc bổ từ nhung, sản xuất ra các thành phẩm từ nhưng nhằm phục vụ người tiêu dùng.
Từ những mô hình tự phát, nhỏ lẻ giờ đây hươu Hương Sơn được biết đến với một mô hình chăn nuôi bầy đàn, trở thành ngành chăn nuôi trọng điểm của vùng. Thương hiệu nhung hươu Hương Sơn đã ăn sâu vào tiềm thức của không chỉ người dân bản địa mà lan tỏa ra các tỉnh trong cả nước. Để khai thác hết tiềm năng do nhung hươu mang lại thì cần có sự phối hợp các các cấp, các ngành địa phương nhằm theo hướng “xuất ngoại” sẽ đem lại nguồn lợi cho người chăn nuôi hươu.
Theo Phan Hoài/langmoi.vn