Phát triển thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 01/05/2013 19:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê của Sở Công thương, tính đến 2011, cả tỉnh có 704 doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại ở địa bàn nông thôn. Về cơ bản, các DN nhà nước, DN cổ phần nhà nước vẫn thể hiện được vai trò nòng cốt ở những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, gas hóa lỏng, lương thực, điện, viễn thông...
Các HTX được củng cố và từng bước phát triển; có sự đổi mới về tổ chức và hoạt động. Bên cạnh đó, thương mại tư nhân dưới hình thức các công ty TNHH, công ty cổ phần, DN tư nhân và hộ kinh doanh tiếp tục phát triển nhanh qua các năm.
Chợ Huyện - Bình Lộc được xây dựng khang trang trên địa điểm mới là niềm vui của người dân |
Cũng trong thời gian qua, công tác phát triển và quản lý chợ ở địa bàn nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Tính đến thời điểm này, có 172 chợ được nâng cấp, xây mới với 19.824 điểm kinh doanh, thu hút 22.755 hộ kinh doanh và 18.213 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Nhìn chung, hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một số DN đã thiết lập được hệ thống phân phối mang tính chuyên nghiệp, ổn định, bước đầu tạo được uy tín và phong cách mua sắm hiện đại. Nhờ đó, chỉ số tăng trưởng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ bán lẻ của tỉnh ta đạt tốc độ bình quân hơn 29%/năm. Lưu thông hàng hóa và thị trường nông thôn mở rộng đã tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân. Tỷ lệ lao động hoạt động trong lĩnh vực thương mại bình quân mỗi năm tăng 3.500 người...
Lĩnh vực thương mại nông thôn phát triển, phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng đa dạng, kết quả tất yếu của quá trình phát triển KT-XH tỉnh nhà trong những năm qua. Tuy nhiên, theo các nhà hoạch định thương mại, mặc dù đã có bước phát triển nhưng so với tiềm năng và lợi thế, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ còn chậm phát triển, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn nhiều bất cập, giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều việc phải làm.
Theo Giám đốc Sở Công thương Trần Nhật Tân, trong bối cảnh tỉnh nhà đang dồn sức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đòi hỏi lĩnh vực thương mại nông thôn phải phát huy được vai trò tiên phong của mình, trước hết phải kích thích được nhu cầu tiêu dùng, kết nối thị trường sau thu hoạch, góp phần định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Theo định hướng coi trọng công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại nông thôn, các ngành tiểu thủ công nghiệp.
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương, để hoàn thành mục tiêu phát triển thương mại gắn với xây dựng NTM, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ban ngành liên quan nhằm xây dựng và quản lý quy hoạch ngành phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, song song với việc thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó chú trọng công tác xã hội hóa đầu tư hệ thống chợ nông thôn.
Đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm được sản xuất tại nông thôn thông qua các kênh phân phối, xúc tiến thương mại. Đồng thời nâng cao hiệu quả liên kết 4 nhà, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa SXKD.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, dài hạn trong hoạt động thương mại gắn với việc tạo ra môi trường lành mạnh trong SXKD...
Ngô Tuấn
Theo baohatinh.vn