Phát triển văn hóa làm nền tảng vững chắc cho xây dựng NTM
- Thứ tư - 17/10/2012 03:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với những mục tiêu mang tính tổng thể, chiến lược và có tính thực tiễn cao, chương trình MTQG xây dựng NTM được coi là cơ hội lớn đối với sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh nhà theo hướng chất lượng và bền vững. Trên thực tế, nông thôn là khu vực rộng lớn và đông dân nhất, đa dạng về thành phần dân cư. Không chỉ là nơi sản xuất ra sản phẩm nuôi sống con người, xã hội, nông thôn còn là “chiếc nôi” của văn hóa; là nơi bảo tồn, lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng.
Đua thuyền - một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cần được lưu giữ và phát huy |
Vì vậy, gìn giữ và phát huy yếu tố văn hóa trong xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững; vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Xây dựng NTM là phải tạo ra con người mới, sản phẩm mới và giá trị mới của nông thôn. Một nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hóa. Nông thôn văn minh nhưng vẫn phải bảo tồn, gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
Trong thời gian qua, mặc dù trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh, chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả đáng kể trên nền tảng ý thức của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Đặc biệt, năm 2012, là năm Hà Tĩnh triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM chuyển mạnh từ chủ trương vào cuộc sống; không chỉ dừng lại ở các xã điểm, các xã về đích trước năm 2015 mà còn được triển khai thực hiện trong tất cả các xã trong toàn tỉnh; nhiều nội dung đã đi vào chiều sâu.
Có thể khẳng định rằng, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đến nay, diện mạo của các địa phương trên toàn tỉnh đang từng ngày khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng từ thôn cùng xóm vắng đến ven đô đều được thay đổi rõ rệt; cơ cấu và phương thức sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi, tạo ra nhiều giá trị mới; chất lượng sống của nhân dân được nâng cao. Nhận thức của người dân được nâng cao thể hiện tập trung nhất là đã có hàng trăm ngàn mét vuông đất, hàng vạn ngày công được hiến để xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng.
Khi nhận thức của người dân về Nông thôn mới được thể hiện sâu sắc |
Tuy nhiên nhìn chung, xây dựng NTM hiện nay vẫn còn tập trung chủ yếu vào xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, chưa chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ các tiêu chí “phi sản xuất” như: văn hóa, giáo dục, môi trường, an ninh nông thôn…, những yếu tố mang tính cơ sở, chiến lược và bền vững.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thu được một số kết quả nhất định nhưng các tiêu chí đánh giá chưa cụ thể; còn mang nặng thành tích và hình thức. Danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa cũng chưa phản ánh đúng thực chất. Giáo dục vẫn nặng về lý thuyết, thi cử, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan. Môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm do sản xuất phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và không đồng bộ, trong khi đó các biện pháp xử lý không theo kịp sự gia tăng ô nhiễm do thiếu sự đầu tư về nguồn lực. Công tác quản lý việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu biện pháp và chưa quyết liệt trong kiểm tra, phê bình. Trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt là cấp cơ sở vẫn tồn tại tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, trông chờ ỷ lại; ngại tiếp thu cái mới để vươn lên. Công tác giáo dục, tuyên truyền làm không thường xuyên; đầu tư các nguồn lực cho phong trào còn hạn chế nên kết quả đạt thấp. Đặc biệt, vai trò có tính nền tảng và động lực của văn hóa trong phát triển chưa được hiểu đầy đủ và đề cao.
Về vấn đề này, Nhà nghiên cứu - Họa sỹ Lê Anh Tuấn phân tích: “Trong xây dựng NTM, văn hóa và kinh tế có mối quan hệ và hỗ trợ nhau rất tích cực. Thực tế, nếu xã nào chịu đầu tư cho văn hóa thì diện mạo của xã đó sẽ có sự sáng sủa và nổi trội hơn. Xét đến cùng, văn hóa và kinh tế đều hướng đến một mục đích, đó là thúc đẩy xã hội tiến lên. Tuy nhiên một bất cập hiện nay, đó là trong đầu tư phát triển kinh tế có cả chiến lược và chiến thuật; còn đầu tư cho phát triển văn hóa thì chỉ có chiến lược mà chưa có chiến thuật”.
Tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc VN đang được thế hệ trẻ hôm nay tích cực phát huy trong tiến trình xây dựng NTM |
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/01/2010 phê duyệt Đề án "Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" hướng tới mục tiêu chung là: Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Là người luôn trăn trở với công cuộc xây dựng NTM của địa phương, ông Nguyễn Lương Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho rằng: “Tiếp tục duy trì và phát triển phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là một việc làm rất cần thiết hiện nay, là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng NTM ở các xã. Bởi những tiêu chuẩn để được công nhận làng văn hóa là: có đời sống kinh tế ổn định và phát triển; có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh; có môi trường cảnh quan sạch đẹp; người dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thì cũng chính là những tiêu chí NTM, mặc dù còn ở mức hẹp hơn”.
Một phần thi trong Hội thi "Báo cáo viên tìm hiểu chương trình MTQG xây dựng NTM" của huyện Thạch Hà |
Đảng và Nhà nước ta đã xác định, văn hóa là nền tảng và là động lực của sự phát triển. Vì vậy, trong xây dựng NTM, cần phải coi xây dựng và phát huy yếu tố văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đó, việc xây dựng và phát triển làng văn hóa có vai trò là nền móng để đặt những viên gạch đầu tiên cho “đại công trình” Nông thôn mới. Khi khối đoàn kết cộng đồng dân cư được củng cố, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân được tăng cường, dân chủ được tôn trọng và mở rộng, dân trí được nâng cao, dân sinh được cải thiện, kinh tế được mở mang, giao lưu được mở rộng, tệ nạn xã hội được ngăn chặn, đời sống văn hóa tinh thần phong phú và lành mạnh… thì nông thôn mới mới thực sự hiện diện và phát triển bền vững.
Đài PT-TH Hà Tĩnh