Phụ nữ Việt Nam (bài 1): Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang

(Baohatinh.vn) Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ được sức mạnh của lòng yêu nước, trí thông minh, tinh thần xả thân, lòng nhân từ và đức hy sinh cao cả. Bằng những việc làm cụ thể, phụ nữ Hà Tĩnh cũng đã góp phần làm sáng thêm 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang...

Bất khuất trong chiến đấu

Hòa chung khí thế sục sôi cả nước cùng ra trận, hàng chục ngàn nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang.

Tổng đội TNXP 55-P18 Hà Tĩnh được thành lập năm 1965 với 1.227 đội viên chủ yếu là nữ, được biên chế thành 10 đại đội (C). Từ năm 1965-1975, lực lượng của tổng đội có mặt trên tất cả các tuyến đường trọng điểm: đường 1A từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, đường 15A, đường 8, 24, 70A, 70B với nhiệm vụ: vận tải hàng hóa, san lấp hố bom, làm đường, dẫn đường cho xe qua, phá bom nổ chậm, đảm bảo thông đường cho xe ra tiền tuyến. Cùng chức năng, nhiệm vụ ấy, Tiểu đội 4 thuộc C552 Tổng đội 55 được thành lập năm 1965. Năm 1968, tiểu đội gồm 17 người do chị Võ Thị Tần làm A trưởng với nhiệm vụ lấp hố bom, đảm bảo thông đường, thông xe tại Ngã ba Đồng Lộc.

Phụ nữ Việt Nam (bài 1): Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang
Chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà) mỗi năm thu hàng trăm tỷ đồng từ nuôi tôm trên cát

Ngày ấy, Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” đế quốc Mỹ thả xuống nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Thế nhưng, với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, nhiều đêm, các anh, các chị TNXP phải mặc áo trắng làm hàng rào, cọc tiêu dẫn lối cho xe qua an toàn. Mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng TNXP.

Tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống và ý chí quyết tâm ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm, chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày, chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”.

Các chị đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, nhưng tên tuổi của các chị đã hóa thành bất tử. Máu đào của các chị đã thấm sâu vào đất mẹ, góp phần dựng lên biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Cách đây 50 năm, nhân dân Hà Tĩnh đã được chứng kiến trận đầu thắng Mỹ oanh liệt của trung đội dân quân tự vệ 10 cô gái núi Nài. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 10 cô gái năm xưa, giờ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, người còn, người mất, nhưng ký ức họ vẫn vẹn nguyên những giờ phút kề vai, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu với quân thù. Bà Lê Thị Yên - Trung đội trưởng trung đội nữ dân quân tự vệ nhớ lại: Sau khi thành lập trung đội, mỗi người được giao 1 khẩu súng trường và 50 viên đạn với nhiệm vụ bảo vệ núi Nài và quốc lộ 1A”. Ngày 26/3/1965, sau hơn 2h40’ chiến đấu, trung đội nữ dân quân núi Nài đã cùng quân dân thị xã Hà Tĩnh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, làm nên chiến thắng đầu tiên có ý nghĩa về chính trị, quân sự đối với quân dân Hà Tĩnh”.

Tiếp nối chiến công giòn giã ấy là thành tích bắn chẻ đầu máy bay Mỹ của tiểu đội 9 nữ dân quân xã Kỳ Phương. Đó là năm 1967, 9 cô gái Kỳ Phương (Kỳ Anh) đã nghĩ ra cách đánh địch “bắn chẻ đầu máy bay Mỹ”. Với cách đánh ấy, trong 25 ngày (từ 26/7 - 21/8), các chị đã độc lập bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 4 chiếc khác.

Trung hậu giữa đời thường

Những năm 1967, 1968, khi Ngã ba Đồng Lộc trở thành “túi bom” của giặc Mỹ thì hình ảnh “Người con gái sông La” La Thị Tám luôn in đậm trong lòng các đồng đội bởi sự hiên ngang, dũng cảm khi cầm cờ đánh dấu từng quả bom thông đường cho xe ra tiền tuyến. Năm 1969, La Thị Tám được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 18 tuổi. Không chỉ trở thành anh hùng trong chiến tranh, bà còn là hình tượng trong sáng, đầy mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam giữa đời thường.

Phụ nữ Việt Nam (bài 1): Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang
Bà Lê Thị Yên - Trung đội trưởng trung đội nữ dân quân tự vệ

Chiến tranh kết thúc, bà về công tác tại cơ quan Dân chính Đảng cấp tỉnh. Dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn giữ trọng trách Tổ trưởng Tổ liên gia 3, tổ dân phố 10, phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh), sớm hôm gần gũi, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với xóm làng. Gần trọn một đời hy sinh, cống hiến cho lý tưởng cao đẹp của Đảng, với anh hùng La Thị Tám, đó là việc làm đương nhiên của bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào...

Trở về từ cuộc chiến chỉ còn 1 chân và mầm mống chất độc da cam trong người nhưng cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe (phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh), vẫn dũng cảm vượt lên tất cả để có một cuộc sống tinh thần vui tươi, hòa vào dòng chảy của cuộc đời. Với nữ cựu TNXP này, những năm tháng ở Ngã ba Đồng Lộc đã tôi luyện nên ý chí quật cường, tinh thần lạc quan, yêu đời để chị vượt qua những giây phút đau đớn vì vết thương, những éo le trắc trở của số phận.

Với nghị lực “tàn nhưng không phế”, cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe vẫn công tác ở nhiều cương vị, từ thủ kho của Tổng đội TNXP 55 đến y tá... Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng với tay nghề của 1 y tá lâu năm, chị vẫn không ngừng giúp đỡ mọi người, tham gia các sinh hoạt đoàn thể của phường, nhất là hoạt động văn hóa - văn nghệ. Từng được mệnh danh là “chim sơn ca”, giọng hát và giọng ngâm thơ của chị vẫn trong trẻo, ngọt ngào lay động tâm hồn người nghe.

Chiến tranh đã đi qua, hiện đã là bà nội, bà ngoại của hơn 10 đứa cháu nhưng với nữ y tá Trần Thị Sâm (trú tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh), ký ức về những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ trong bà vẫn còn vẹn nguyên. Bà kể: “Trưa 19/5/1972, quân ta bắn rơi chiếc máy bay F4 tại cánh đồng Thạch Trung và bắt được 1 tên phi công. Nhìn thấy tên phi công Mỹ bị thương, tôi đã cởi súng, làm nhiệm vụ băng bó vết thương cứu người”. Và đó cũng là khoảnh khắc đẹp để nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện bấm máy và cho ra đời bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam”. Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng cao đẹp về lòng nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam, làm lay động trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới.

Tết là đêm trắng với bệnh nhân
Các nữ y, bác sỹ Khoa Chấn thương - BVĐK Hà Tĩnh chăm sóc, điều trị bệnh nhân

Dưới thời bình, người phụ nữ tiếp tục viết nên những câu chuyện về lòng nhân hậu bao la. Trong cơn lũ lịch sử năm 2010, nắm cơm tình nghĩa của Hội LHPN huyện Hương Khê đã giúp hàng ngàn người dân vùng rốn lũ vượt qua cơn đói. Chị Nguyễn Thị Tình, lúc ấy là Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê bùi ngùi nhớ lại: “Dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, có những chị em nhà cũng đang ngập nước nhưng gác lại tất cả, các chị vẫn nấu cơm, chèo thuyền qua bao sóng nước nguy hiểm mang cơm đến cho người dân. Từ 4 đơn vị nấu cơm tập thể, sau đó đã có hàng chục bếp được triển khai nấu tại chỗ ở các xã, xóm không bị ngập lũ để chuyển cho các vùng ngập nặng”…

Bằng tấm lòng nhân hậu, những người mẹ, người chị ở khắp nơi trên địa bàn Hà Tĩnh đã thành lập các CLB cảm hóa người lầm lỗi, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, sống vui, khỏe và có ích cho xã hội. Điển hình như: CLB Tình thương và trách nhiệm phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh), CLB Tình thương xã Sơn Kim I (Hương Sơn), CLB Đồng cảm xã Sơn Tây (Hương Sơn), CLB Đồng cảm phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh)...

Với 8 chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, phụ nữ Việt Nam cũng đều trở thành hình tượng cao đẹp và đáng trân trọng. Dù được phong tặng hay không, những đóng góp của họ vẫn xứng đáng được gọi là anh hùng. Không chỉ cống hiến cho xã hội, người phụ nữ còn giữ vai trò là người xây tổ ấm trong gia đình. Với tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh, sức khỏe và trí tuệ của mình, hàng vạn chị em phụ nữ vẫn đang ngày đêm cần mẫn, chắt chiu và cống hiến cho cuộc đời.

Thúy Ngọc - Phan Trâm
baohatinh.vn