Quá trình hình thành thương hiệu Nem chua Ý Bình

Quá trình hình thành thương hiệu Nem chua Ý Bình
Từ khi còn học THPT, thỉnh thoảng được người thân cho cho ăn nem chua mua từ Thanh Hóa về, chị Lê Thị Bình (tổ 10, thị trấn Phố Châu huyện Hương Sơn) đã có suy nghĩ, sao cái nem nhìn đơn giản vậy mà ta không tự làm được, phải mua từ Thanh Hóa? Nguồn nguyên liệu Hương Sơn dồi dào để phát triển nghề này, tại sao không du nhập nghề này tạo việc làm, tăng thu nhập? Vì thế năm 2002, sau khi học xong THPT, vừa giúp bố mẹ sản xuất, chị Bình vừa ra Thanh Hóa học cách làm nem chua.
Sau khi học hỏi được kinh nghiệm, chị đã bắt tay vào làm nem. Thấy người ta làm và tiêu thụ dễ dàng, nhưng khi vào cuộc rồi, chị mới thấy được bao khó khăn đặt ra khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Mấy mẻ nem đầu tiên bị thất bại, nguyên nhân là do chị chưa biết điều chỉnh khâu chế biến và ủ nem cho phù hợp với thời tiết khí hậu (lúc này hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, chưa có tủ lạnh). Sau khi rút được kinh nghiệm, sản phẩm thành công ra đời thì lại đến khâu khó khăn trong tiêu thụ. Ban đầu khách hàng chưa quen sản phẩm nem chua của chị, nên chị phải gửi nhờ các quán hàng bán, bán được thì cả chị và quán có tiền, nhưng không bán được, nem bị hỏng chị phải chịu lỗ. Do nhiều quán cũng không có tủ lạnh bảo quản, nên số lượng nem bị hỏng nhiều. Nhận ra được điều này, chị quyết định phải đi nhiều xã, nhiều huyện để giới thiệu sản phẩm và đi thường xuyên để nơi nào không bán được thì chuyển hàng cho nơi khác, giảm số lượng nem bị hỏng. Nhiều người bán quán trước đây từng cảm động trước hình ảnh một cô gái mảnh mai, chỉ tuổi bậc con mà đã tất tả trên thương trường, nên đã nhận bán sản phẩm cho chị. Phải mất 4 năm (từ 2002 - 2005) nem của chị mới bắt đầu có chỗ đứng tại địa bàn thị trấn Phố Châu và một số xã trong huyện, dần dần lan ra các huyện khác trong tỉnh, lúc này việc làm nem của chị mới bắt đầu có lãi. Nem của chị có chất lượng, dần dần được người tiêu dùng tín nhiệm, nên số lượng sản xuất cứ thế tăng dần lên theo mức tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm 2014 anh chị đã đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời đi học hỏi kinh nghiệm làm các loại nem tại một số cơ sở ở Hải Phòng, Hà Tây (Hà Nội), Huế, Bình Định, thuê thêm nhân công làm. Ngoài loại truyền thống gói bằng lá chuối, cơ sở sản xuất của chị còn làm 7 loại nem khác nhau, với các tên gọi là nem kẹp, nem trần, nem bung, nem cây, nem nướng, nem quả, nem chiên. Việc sản xuất nem từng bước hiện đại hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở sản xuất của chị không sử dụng chất bảo quản, chất tạo vị, tạo giòn, mà sử dụng nhiệt lạnh; da (bì) lợn dùng để chế biến được sử dụng công nghệ làm nóng trên 100 độ C, không để lại chân lông trong từng mỗi sợi da; hoàn toàn được chế biến từ thịt lợn nạc, da lợn và một số gia vị, không pha trộn các loại bột, nên nem có màu sắc hồng tự nhiên và vị ngọt đậm đà của thịt, không bị khô cứng khi ăn, vì thế được khách hàng tin dùng và ưa chuộng. Hiện nay cơ sở sản xuất của chị đã sử dụng công nghệ đóng gói hút chân không để sản phẩm bảo quản được lâu hơn. Để sản phẩm vươn xa, thoát khỏi “ao làng”, được Hội Nông dân huyện tư vấn, hướng dẫn, năm 2016 gia đình chị đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch cho sản phẩm; không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì và học hỏi chế biến thêm các loại nem có chất lượng ngày càng tốt hơn, phù hợp khẩu vị khách hàng các vùng, miền khác nhau. Cơ sở sản xuất nem chua của gia đình chị năm 2017 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017, hiện đang xây dựng thành sản phẩm OCOP.
 

Vì vậy nem chua của gia đình chị giờ đây không chỉ có mặt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, mà vươn xa tới các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, như Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay cơ sở sản xuất của gia đình chị có 10 công nhân, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng, mỗi ngày xuất bán các nơi hơn 2.000 chiếc nem các loại.
 

Theo Minh Trí/hoinongdanhatinh.vn