Quy hoạch báo chí: Không phát sinh bộ máy, biên chế

Chủ trì hội nghị nghe báo cáo dự thảo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào chiều 16/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh yêu cầu: “Quy hoạch là cần thiết nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không phát sinh thêm bộ máy, biên chế mà vẫn nâng cao được chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí trên địa bàn”

Tính đến tháng 10/2017, Hà Tĩnh có 6 cơ quan báo chí địa phương, bao gồm: Báo Hà Tĩnh, Đài PT&TH tỉnh, Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Thông tin - Tư tưởng và Tạp chí Khoa học; 13 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, 262 trạm truyền thanh cơ sở và 7 cơ quan truyền hình trả tiền.

Hội nghị báo cáo điề chỉnh quy hoạch báo chí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

Ngoài ra, tỉnh còn có đặc san Hà Tĩnh Người làm báo của Hội Nhà báo tỉnh; trên 30 bản tin của các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã; gần 50 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh của UBND các huyện, thành phố, thị xã. 

Để phù hợp với thực tiễn hiện nay của tỉnh nhà, báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã chỉ rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tổng hợp kinh phí phân nguồn và các giải pháp thực hiện cho các loại hình báo chí trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải điều chỉnh, quy hoạch phát triển báo chí trên địa bàn, đồng thời cho rằng: Báo cáo cần cụ thể các giải pháp, lộ trình thực hiện đề án; đánh giá toàn diện, đầy đủ sự phát triển của hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở để có phương án, chiến lược đầu tư; xây dựng dự toán kinh phí sát với thực tiễn hơn...

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống tổ chức, hoạt động báo chí toàn quốc nói chung và trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.

Vì vậy, việc điều chỉnh, quy hoạch phát triển báo chí là điều hết sức cần thiết, nhưng phải dựa trên nguyên tắc “quy hoạch không phát sinh thêm bộ máy, biên chế mà phải theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng các cơ quan báo chí trên địa bàn”.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Đối với báo in từ nay đến năm 2020, cơ bản giữ nguyên số lượng hiện có; sau năm 2020, phải sắp xếp, tổ chức lại đúng tinh thần của Chính phủ. Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện sẽ tiến tới sáp nhập sớm với Trung tâm văn hóa cấp huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở góp ý của các đại biểu, tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo để trình UBND tỉnh, trong đó về giải pháp cần rõ ràng hơn nhất là tính toán lại các giải pháp về tài chính.

Hà Vân
http://www.hatinhtv.vn