Rà soát, bổ sung, sớm hoàn thiện đề án khai thác rừng và đất lâm nghiệp
- Thứ năm - 10/08/2017 07:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Yêu cầu UBND các huyện rà soát số liệu của địa phương, sớm báo cáo Sở NN&PTNT để bổ sung vào đề án.
Để phát huy hiệu quả và giải quyết những hạn chế trong hoạt động lâm nghiệp, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp xây dựng “Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp để phát triển bền vững KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Bá Thịnh báo cáo nội dung đề án.
Hà Tĩnh hiện có 360.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên 197 xã, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên. Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho từng chủ quản lý; có gần 27 nghìn hộ, cá nhân được giao trên 70 nghìn ha, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển KT-XH. Diện tích rừng tăng lên hàng năm, nâng độ che phủ đến năm 2016 lên 52,43%.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Trịnh Văn Ngọc: Những vùng đất đã quy hoạch trồng cây ăn quản nhưng độ dốc không đảm bảo cần trả lại để trồng rừng nguyên liệu, đảm bảo vấn đề môi trường rừng.
Lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, hàng năm cung cấp hàng vạn m3 gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, góp phần đưa giá trị xuất khẩu lâm sản lên 47 triệu USD vào năm 2016. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bước đầu đạt một số kết quả.
Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Xuân Thập: Cần bổ sung thêm chính sách phát triển rừng gắn với du lịch.
Đề án đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển bền vững 360.700 ha rừng và đất lâm nghiệp hiện có; đưa tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên đất lâm nghiệp lên khoảng 7.372 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm; chuyển đổi khoảng 6.322 ha rừng và đất lâm nghiệp để phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, với giá trị đạt khoảng 5.400 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 90 triệu USD/năm; 100% gỗ rừng trồng được chế biến tinh sâu và tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện; khai thác tiềm năng du lịch tại một số điểm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 80.000 lao động.
Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Quảng: Cần có lộ trình rõ trong quy hoạch chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp sang trồng các loại cây khác.
Đặc biệt, đề án đã xây dựng nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: Tăng cường quản lý nhà nước, tuyên truyền, soát xét điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất; bảo vệ, phát triển bền vững diện rừng phòng hộ, đặc dụng; khai thác các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, các loại hình dịch vụ, lâm sản ngoài gỗ. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả 173.000 ha rừng, đất rừng sản xuất; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất; kêu gọi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp lớn khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị về du lịch sinh thái; đẩy mạnh hoạt động chế biến lâm sản theo hướng hiện đại; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Cần đánh giá cụ thể thực trạng, tình hình thực hiện các quy hoạch liên quan đến đất rừng, đất lâm nghiệp để có những dự báo, giải pháp phù hợp. Phát triển kinh tế rừng phải gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, đây là đề án có vai trò rất quan trọng, do đó, cần phải bổ sung để hoàn thiện chi tiết hơn. Trong đó, phân tích cụ thể về thực trạng, hạn chế để có giải pháp triển khai thực hiện tốt nhất; đánh giá, phân tích công tác quản lý rừng tại cơ sở; bổ sung quan điểm về mục tiêu phát triển rừng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững; bổ sung nhiệm vụ phát triển rừng gắn với xây dựng NTM.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý nhà nước cần có các giải pháp về tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, tăng cường phối hợp quản lý; phân tích, tính toán lại mục tiêu về lao động, việc làm…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện rà soát số liệu của địa phương, sớm báo cáo Sở NN&PTNT để bổ sung vào đề án. Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát lại toàn bộ số liệu, tổng hợp ý kiến các đại biểu, bổ sung các chính sách cần thiết, đặc biệt là về tăng cường cơ sở vật chất, lực lượng quản lý để hoàn thiện đề án trên cơ sở bài bản, khoa học, để báo cáo UBND tỉnh xem xét trước khi trình HĐND tỉnh.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn