Sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương
- Thứ ba - 19/03/2013 10:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỉnh quyết liệt
Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, là nơi tổ chức cho nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương. Tỉnh ta chỉ có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 262 đơn vị hành chính cấp xã nhưng lại có đến 2837 thôn, tổ dân phố (trong đó có 1025 thôn có dưới 100 hộ) với hơn 22.696 cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố. Tổng nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã phải chi trả hàng năm gần 113 tỷ đồng, chưa tính nguồn chi trả của các tổ chức khác.
Thực trạng quy mô thôn xóm, tổ dân phố nhỏ, bộ máy cán bộ cồng kềnh, chi trả ngân sách tốn kém, hiệu quả hoạt động thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển theo hướng xây dựng nông thôn mới. Do vậy, chủ trương của tỉnh sáp nhập thôn, tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, giảm chi phí ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương để sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Can Lộc đầu tư thâm canh giống lúa chất lương cao |
Trao đổi với chung tôi, ông Nguyến Đức Hảo - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc chỉ đạo quy hoạch sáp nhập các thôn, tổ dân phố, ngay từ năm 2011, Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố, thị xã tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai rà soát, quy hoạch, sáp nhập thôn, tổ dân phố theo đúng kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị huyện, thị đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương chủ trương của tỉnh, cụ thể hóa việc quy hoạch, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố thành nhiệm vụ trọng tâm. Các xã, phường, thị trấn tập trung rà soát, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tận khu dân cư, họp dân lấy ý kiến và hoàn thiện hồ sơ sáp nhập thôn, tổ dân phố theo đúng quy trình, nhanh, gọn, chính xác, công khai dân chủ được nhân dân đồng thuận cao.
Nhờ chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh đã tiến hành sáp nhập, giảm được 627 thôn, xóm, tổ dân phố; tinh giảm được hơn 5000 cán bộ; tiết kiệm ngân sách được hơn 24 tỷ đồng. Bộ máy cán bộ thôn xóm, khối phố sau sáp nhập được kiện toàn đảm bảo đúng quy trình, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
Đáng kể như các huyện Đức Thọ đã giảm được 88/243 thôn, tổ dân phố; Can Lộc giảm được 63/275 thôn, tổ dân phố; Lộc Hà giảm được 42/135 thôn, tổ dân phố; Hương Sơn giảm được 120/392 thôn, tổ dân phố; Thạch Hà giảm được 98/344 thôn, tổ dân phố…. Nhiều thôn sau sáp nhập sáp nhập có quy mô gần 600 hộ dân vẫn được điều hành thông suốt, tạo được nhiều khởi sắc trong phong trào xây dựng NTM.
Nhờ kết quả chỉnh trang quy mô thôn xóm, Thạch Văn sôi nổi thi đua lao động sản xuất trên cánh đồng mẫu 2 lúa. |
Cấp huyện, xã vào cuộc thiếu đồng bộ
Điều đáng mừng là thời gian qua tỉnh ta triển khai rất tốt việc rà soát, quy hoạch, chỉnh trang quy mô thôn xóm, thành công bước đầu đã tạo được chuyển biến lớn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị địa phương chưa nhận thức sâu sắc chủ trương lớn của tỉnh, vẫn còn chần chừ, triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa chỉ đạo quyết liệt công tác chỉnh trang quy mô thôn, xóm.
Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm tỉnh lỵ, có đến 155 thôn và 22 tổ dân phố có quy mô dưới 100 hộ, nếu thực hiện theo Thông tư 04 của Bộ Nội vụ thì gần như 100% đơn vị thôn tổ dân phố trên địa bàn đều phải sáp nhập, nhưng sau 2 năm triển khai đến nay, toàn thành phố cũng chỉ mới sáp nhập giảm được 7 đơn vị.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Thế Dũng cho rằng: "Vướng mắc do địa bàn rộng, chia cắt, cán bộ thôn, tổ dân phố chủ yếu là cán bộ hưu trí, sức khỏe có hạn, nếu sáp nhập sẽ khó đảm trách. Theo đó nhiều đơn vị thôn, tổ dân phố đã được quy hoạch cấp đất phát triển dân cư mật độ lớn. Mặt khác, thời gian qua chưa có sự vào cuộc kiên quyết của cả hệ thống chính trị, do đó kết quả sáp nhập chưa đạt yêu cầu".
Thực tế, công tác sáp nhập thôn xóm ở địa bàn thành phố còn bộc lộ một số hạn chế lúng túng về quy trình thực hiện, việc lấy ý kiến cử tri khu vực sáp nhập còn thiếu công khai dân chủ. Cụ thể như việc sáp nhập thôn Tân Quý 1 và Tân Quý 2 hiệp thương miễn nhiệm, bầu mới cán bộ nhưng không gặp gỡ, bỏ qua công tác tư tưởng cán bộ, thậm chí cũng không mời tham gia. Do đó, không tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện công dân phiền hà.
Ở khối phố 4, phường Hà Huy Tập với chỉ hơn 60 hộ dân đến nay vẫn chưa thấy rục rịch việc sáp nhập. Hỏi cư dân trên địa bàn, hầu như chẳng ai biết, chẳng ai quan tâm vì chưa công khai họp dân để phổ biến chủ trương cụ thể. Trong khi chủ trương triển khai rầm rộ toàn tỉnh suốt 2 năm nay nhưng dân chỉ nghe nói, hiện nay phường Hà Huy Tập mới bắt đầu khởi động đề án để hoàn thiện quy trình thủ tục sáp nhập các tổ dân phố.
Đức thọ khởi sắc phong trào XDNTM |
Huyện Kỳ Anh triển khai chần chừ, thiếu quyết liệt lại phó thác toàn bộ cho phòng Nội vụ, mãi đến khi bị tỉnh phê bình mới có sự chuyển biến. Kết quả, Kỳ Anh có 288 thôn, tổ dân phố, (hơn 35 thôn quy mô dưới 100 hộ) nhưng đến nay cũng chỉ mới sáp nhập, giảm được 9 thôn.
Thừa nhận sự yếu kém trong việc triển khai thực hiện, chị Dương Thị Vân Anh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh lý giải: "Do địa phương có quá nhiều công việc, là một huyện miền núi địa bàn rộng, dân cư thưa, công tác triển khai thực hiện vừa chậm vừa thiếu quyết liệt, công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương chưa được sâu rộng, tâm lý một số bộ phận cán bộ, nhân dân của một số địa phương chưa thông suốt. Nhiều khu dân cư sợ sau sáp nhập dân số đông khó khăn trong vấn đề sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, do yếu tố lịch sử, tên làng truyền thống, địa danh, danh hiệu văn hóa, phong tục, tập quán cũng đã ít nhiều có ảnh hưởng đến việc sáp nhập thôn".
Hiện nay, toàn tỉnh đang còn 229 thôn, tổ dân phố có quy mô dưới 100 hộ và theo tinh thần Thông tư 04 của Bộ Nội vụ, số lượng thôn xóm cần phải sáp nhập còn cao hơn nhiều lần so với thực tế. Để hoàn thành triệt để việc quy hoạch, sáp nhập thôn, xóm theo tinh thần chủ trương của tỉnh, trước hết cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, tập trung tuyên truyền sâu rộng toàn dân nhận thức sâu sắc chủ trương đúng đắn của tỉnh; chủ động rà soát, quy hoạch, sáp nhập, quy mô hóa hệ thống thôn, xóm, khối phố vững mạnh, tạo nền tảng để các địa phương tiến tới hoàn thành tốt chương trình XDNTM, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển bền vững trên con đường CNH, HĐH.
QUANG SÁNG
baohatinh.vn