Sáp nhập tổ chức Hội quần chúng đặc thù trong năm 2018

Đây là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy để cho ý kiến về phương án sắp xếp lại các tổ chức hội quần chúng đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng; các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh.

Hà Tĩnh hiện có 57 hội quần chúng, trong đó có 14 hội đặc thù; 188 tổ chức hội ở các huyện, thành phố, thị xã, trong đó có 7 hội đặc thù; hơn 1,8 nghìn tổ chức hội ở xã, phường, thị trấn nhưng không có hội đặc thù.

 

Thực tế cho thấy, hoạt động của nhiều tổ chức hội có tính trùng lặp, chồng chéo, thiếu hiệu quả và không theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự trang trải kinh phí.

Do đó, dự thảo “Phương án sắp xếp lại các tổ chức hội quần chúng đặc thù” nhằm sáp nhập các tổ chức hội có tính chất và nội dung hoạt động tương đồng. Đáng chú ý là ở cấp tỉnh và cấp huyện sẽ hợp nhất 3 tổ chức là Hội người mù, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành một tổ chức Hội.

Tương tự ở cấp xã, 3 tổ chức Hội này cùng với Hội Chữ thập đỏ sẽ sáp nhập thành một, đồng thời sáp nhập một số tổ chức hội khác nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Sáp nhập ở cả 3 cấp và cơ bản đồng bộ một mô hình từ tỉnh đến xã, đảm bảo nguyên tắc bộ máy tinh gọn, hiệu quả, và có điều kiện hoạt động tốt hơn.

 

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Ở Hà Tĩnh, trước khi có Nghị quyết của Trung ương, đã có 5 huyện, thành phố, thị xã và 85 xã, phường, thị trấn sáp nhập các hội quần chúng.

Thực tế chứng minh, chủ trương hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, và nhất thiết phải khẩn trương thực hiện để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6.

Đối với phương án sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn thống nhất quan điểm: Sáp nhập ở cả 3 cấp và cơ bản đồng bộ một mô hình từ tỉnh đến xã, đảm bảo nguyên tắc bộ máy tinh gọn, hiệu quả, và có điều kiện hoạt động tốt hơn.

Từ các ý kiến thảo luận, Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp thu để bàn kỹ về mô hình tổ chức sau sáp nhập, như: Cơ cấu, tên gọi hay chính sách. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu khi thống nhất phương án, UBND tỉnh phải là nơi thực hiện, và cơ bản hoàn thành công tác này trong 2018.

Nguyễn Hằng/http://www.hatinhtv.vn