Tái cơ cấu kinh tế: Mở đường để Hà Tĩnh bứt phá

(Baohatinh.vn) - “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững” là cụm từ thường xuyên được nhấn mạnh trong đường hướng phát triển của nền kinh tế Hà Tĩnh nhiệm kỳ vừa qua. Những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược này đã tạo bước đột phá vững chắc trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011-2015 với con số ấn tượng: bình quân mỗi năm, GDP tăng 19,58%.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự trao đổi bên lề với lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Singapore trong chuyến xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh tại quốc gia này (tháng 11/2014).

Quan tâm hàng đầu đến công tác quy hoạch, Hà Tĩnh đã mời nhà tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor (Mỹ) xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH có tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2013, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với 8 cụm ngành chủ yếu có lợi thế cạnh tranh cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành “kim chỉ nam” cho hàng loạt quy hoạch ngành, vùng, địa phương, lĩnh vực.

Quy hoạch tổng thể KT-XH tầm nhìn đến năm 2050 đã hoạch định rõ hướng đi để Hà Tĩnh bắt tay thực hiện lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế với việc phát triển 3 cụm, ngành trọng điểm: hiện đại hóa thành công nền nông nghiệp; phát triển ngành sắt - thép và xây dựng Hà Tĩnh thành một trung tâm thương mại, hậu cần phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Tái cơ cấu kinh tế: Mở đường để Hà Tĩnh bứt phá
Tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu là giải pháp để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh nhà ngay từ những bước đi đầu tiên đã bám sát định hướng “đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã vạch ra. Theo đó, các chủ trương, chính sách, giải pháp đã tập trung cao, nhất quán cho nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng. Ở điểm mở đầu cho giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực công nghiệp, TM-DV đã chiếm trên 90%, nông nghiệp chỉ còn dưới 10%.

Nông nghiệp dẫu giảm tỷ trọng trong cơ cấu GDP nhưng lại có bước tăng trưởng về giá trị cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành với tốc độ bình quân đạt 5,46%/năm (chỉ tiêu đại hội 3,3%); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha (chỉ tiêu đại hội trên 65 triệu đồng)... Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được dày công xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện, đưa lĩnh vực trọng yếu này phát triển đúng hướng, vững chắc, trở thành hạt nhân cho lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh nhà.

Tái cơ cấu kinh tế: Mở đường để Hà Tĩnh bứt phá
Trên công trường xây dựng công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Ảnh: Đậu Bình

Mũi đột phá của nền kinh tế là công nghiệp trong nhiệm kỳ vừa qua đã có bước phát triển vượt trội về cả quy mô và năng lực sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 38,3% (chỉ tiêu đại hội 35%). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo. Giá trị sản xuất công nghiệp của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh.

Tái cơ cấu kinh tế: Mở đường để Hà Tĩnh bứt phá
Hệ thống cầu cảng Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA.

Khu kinh tế Vũng Áng phát triển mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế - nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng, cảng biển với các sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn là gang thép, nhiệt điện, dịch vụ cảng biển, từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, khu vực và cả nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh ngành thép của quốc gia.

Tái cơ cấu kinh tế: Mở đường để Hà Tĩnh bứt phá
Cảng Sơn Dương đón tàu trọng tải lớn nhất từng cập bến Việt Nam.

Môi trường phát triển sôi động đã thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ, trong đó, doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị thế đầu kéo, đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách của địa phương; các loại hình HTX, tổ hợp tác giữ vị trí chủ chốt trong SXKD ở nông nghiệp - nông thôn và tư duy kinh doanh hình thành rõ nét trong nông dân.

Lộ trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đang tác động mạnh mẽ đến sự chuyển hướng trong lĩnh vực lao động - việc làm. Cơ cấu lao động chuyển dịch rõ nét với hướng phân bổ mỗi gia đình có 1 lao động nông nghiệp - 1 công nghiệp - 1 TM-DV.

Nhóm P.V Kinh Tế
Baohatinh.vn