Tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu cho người dân Hà Tĩnh
- Thứ hai - 02/01/2017 03:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tăng cường năng lực thể chế
Những ngày cuối năm, cán bộ Ban Điều phối dự án IWMC Hà Tĩnh vẫn tất bật với công tác mua sắm, bàn giao trang thiết bị cho các đơn vị liên quan nhằm nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật của dự án. Ngoài ra, thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực của các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh về lĩnh vực BĐKH, lồng ghép quản lý nước và quy hoạch đô thị, thời gian qua, Ban Điều phối dự án đã tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về quản lý, đấu thầu, giám sát đánh giá năng lực thể chế, kỹ thuật (TICA) và xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực về quản lý nguồn nước, BĐKH ở tỉnh Hà Tĩnh.
Đặc biệt, việc tăng cường năng lực cho các cơ quan và các bên liên quan về BĐKH, quản lý nguồn nước, phát triển đô thị và sự tham gia của cộng đồng được đẩy mạnh thông qua các cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến BĐKH, xử lý nguồn nước và phát triển đô thị; các chuyến tham quan học tập trong nước và quốc tế...
Đoàn chuyên gia nước ngoài cùng Ban Điều phối dự án đi thực địa các vị trí đầu tư ưu tiên.
Theo đánh giá của Ban Điều phối dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh, đến nay, dự án phù hợp với chính sách phát triển của tỉnh đến năm 2020; phù hợp với một số địa phương, sở, ban, ngành trong việc cải thiện thể chế, chính sách nhằm giải quyết linh hoạt các vấn đề về quản lý nguồn nước, quy hoạch đô thị dưới tác động của BĐKH. “Với kết quả của dự án, UBND tỉnh và một số đơn vị đã tiết kiệm được thời gian và kinh phí để đưa ra các quyết sách về chiến lược ứng phó với BĐKH; quản lý nguồn nước tổng hợp, phát triển đô thị tích hợp với các yếu tố về BĐKH bền vững và đạt kết quả cao”, ông Lê Tiến Minh – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án SRDP – IWMC nhấn mạnh.
Xây dựng chiến lược toàn diện
Với mục tiêu xây dựng một chiến lược toàn diện ứng phó với BĐKH, Ban Điều phối đã hoàn thành các nghiên cứu như: chi tiết hóa mô hình BĐKH tại Hà Tĩnh (kịch bản về tăng nhiệt độ, kịch bản về nước biển dâng) để phục vụ xây dựng mô hình thủy văn/thủy lực trong lưu vực sông Rào Cái; nghiên cứu xây dựng mô hình thủy lực/thủy văn sông Rào Cái và mô hình thoát nước cho TP Hà Tĩnh; nghiên cứu phân tích tính dễ bị tổn thương của KT-XH và các tài sản cá nhân, công cộng, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; chỉnh sửa quy hoạch TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận dựa trên chiến lược BĐKH.
Nhiều tuyến đường ở TP. Hà Tĩnh luôn bị ngập nặng khi có mưa to. (Ảnh chụp ngày 8/11/2016, tại đường Nguyễn Công Trứ).
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của dự án là ưu tiên thí điểm các công trình cho TP Hà Tĩnh nhằm giúp thành phố quản lý nguồn nước. Theo đó, trong năm, dự án đã xây dựng quy hoạch chi tiết về phục hồi, mở rộng diện tích rừng ngập mặn và công viên bảo tồn rừng ngập mặn hạ lưu sông Rào Cái; hoàn thành khảo sát, lập quy hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt 4 công trình đầu tư ưu tiên cho TP Hà Tĩnh gồm: hồ điều hòa Đập Bợt phường Thạch Quý, hồ điều hòa Bến Đá xã Thạch Đồng, kênh thoát nước phía Tây TP Hà Tĩnh, cống Đập Hầu xã Thạch Trung. Bên cạnh đó, dự án cũng thành lập Quỹ Tín dụng tiết kiệm nhà xanh dự án IWMC nhằm hỗ trợ người dân ở những vùng chịu tác động của BĐKH cải thiện điều kiện nhà ở.
Dự án IWMC Hà Tĩnh nằm trong chương trình hợp tác Việt - Bỉ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2019, là một trong 4 dự án thành phần (cùng với dự án thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và 1 ban hỗ trợ kỹ thuật đặt tại Bộ KH&ĐT). Dự án được Vương quốc Bỉ tài trợ 7,8 triệu EURO và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 1 triệu EURO, được thực hiện trong vòng 6 năm (2013-2019), trong đó, tập trung vào TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và các vùng phụ cận. |