Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp
- Thứ ba - 15/05/2018 05:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung liên quan tới Đề án trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp. Đây là cơ sở đề xuất giải pháp khoa học, có tính thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Trong đó, đặc biệt chú trọng tiếp thu trọn vẹn tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, cập nhật tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 để hoàn thiện Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp” nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp trong thời gian qua; xác định một số quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp. Từ đó, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp” làm căn cứ để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”.
Bố cục Dự thảo Đề án gồm 2 phần: Phần 1 đề cập tới sự cần thiết ban hành đề án; mục đích; yêu cầu; đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Nội dung Đề án được thể hiện trong phần 2, gồm 3 chương (thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp đối với HĐND; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; tổ chức thực hiện).
Các ý kiến tham gia thảo luận tại hội nghị cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Đề án. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự thảo còn dài, cần được rút gọn hơn; tiêu đề Đề án phải quán triệt được sự đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Nội dung Đề án cần thể chế hóa chương trình toàn khóa của HĐND theo các Nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cần phải thảo luận, bàn bạc kỹ trong quá trình soạn thảo Đề án…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y nhấn mạnh, trong các kỳ bầu cử HĐND, trước khi thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đại biểu HĐND cần lấy ý kiến Đảng đoàn HĐND đối với dự kiến cơ cấu HĐND tỉnh và ý kiến Thường trực HĐND tỉnh đối với dự kiến cơ cấu HĐND cấp huyện; Đảng đoàn HĐND cũng cần tham gia giám sát, đánh giá hoạt động của các đại biểu HĐND.
Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, cần lấy ý kiến Đảng đoàn HĐND tỉnh về đánh giá việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đại biểu hoặc cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các kiến nghị của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND.
Xây dựng cơ chế và thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên là đại biểu HĐND hàng năm gắn với việc tham gia hoạt động của HĐND nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu và đối tượng chịu giám sát của HĐND.
Theo Thùy Dương - Lê Tuấn/baohatinh.vn