Thạch Thất gỡ khó để về đích

Thạch Thất gỡ khó để về đích
Thạch Thất là một trong những huyện dẫn đầu TP về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) với 10 xã đạt chuẩn.
Tuy nhiên, huyện đang gặp không ít khó khăn bởi tình trạng nhiều dự án "treo" chậm rà soát, công bố, gây cản trở việc lập dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất.
Nhiều vướng mắc
Theo đề án dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã được phê duyệt, Thạch Thất chỉ có 17/22 xã thực hiện DĐĐT, 5 xã còn lại nằm trong vùng quy hoạch của TP. Theo đó, toàn huyện có 2.100ha diện tích cần dồn đổi với 53 đề án DĐĐT của 17 xã (gồm: 8 đề án toàn xã, 45 đề án thôn). Đến nay, huyện đã hoàn thành công tác DĐĐT và đã tổ chức giao ruộng cho nông dân.
Tuy nhiên, điều đáng nói là 5 xã có diện tích nằm trong quy hoạch của TP gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Đơn cử như hệ thống giao thông nội đồng và hệ thống tưới tiêu bị chia cắt bởi các quy hoạch. Bên cạnh đó, nhiều dự án chiếm một phần lớn diện tích đất nông nghiệp đang trong giai đoạn chờ thu hồi đất. Đây chính là những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Cổng làng xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.
Cổng làng xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.
Trong khi quy hoạch "treo" làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân thì vấn đề nước sạch cũng đang gây bức xúc cho số đông người dân trên địa bàn. Bởi lẽ, hệ thống nước sạch từ sông Đà đi qua huyện nhưng người dân địa phương lại chưa được thụ hưởng. Mặc dù đến nay, Thạch Thất đã trả xong nợ xây dựng cơ bản song huyện vẫn phải tự huy động các nguồn vốn trực tiếp từ DN, người dân và các chương trình lồng ghép.
Trong 22 xã, duy nhất chỉ có Đại Đồng là được TP cấp đủ nguồn kinh phí, còn lại các xã khác đều trong tình trạng thiếu vốn. Năm 2015, Thạch Thất phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là Chàng Sơn, Canh Nậu và Tiến Xuân nhưng mục tiêu này cũng khó hoàn thành do các tiêu chí chưa đạt đều là các tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn, như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trường học, chợ nông thôn, hệ thống giao thông thủy lợi.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Chu Đại Thành cho biết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, trong năm 2015, Thạch Thất tập trung chỉ đạo huy động khai thác triệt để các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó đặc biệt ưu tiên cho phát triển sản xuất. Huyện sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các xã trong việc sử dụng nguồn kinh phí vừa đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước, vừa phát huy tối đa hiệu quả sau sử dụng.
Đối với vướng mắc do quy hoạch, huyện kiến nghị TP tiếp tục rà soát và sớm công bố các dự án bị đình chỉ theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để huyện có cơ sở lập dự án đầu tư phát triển hạ tầng, dự án phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các địa phương bị thu hồi đất cho các dự án. "TP cần đề xuất với Chính phủ, Bộ KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đối với diện tích đất đã được GPMB để tránh lãng phí đất đai" – ông Thành nói.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân, huyện Thạch Thất cũng kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống cấp thoát nước sạch từ Nhà máy nước Sơn Tây và nguồn nước sông Đà. Riêng đối với 3 xã đăng ký hoàn thành NTM trong năm 2015, TP xem xét tiếp tục bố trí nguồn vốn theo Quyết định 16 của UBND TP về ban hành thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 – 2016.  

Ánh Ngọc
Theo ktdt.vn