Thái Hòa: Nông thôn mới là điểm nhấn

Thái Hòa: Nông thôn mới là điểm nhấn
Chính thức đón nhận huyện Nông thôn mới vào đầu năm 2016, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được nâng cao hơn. Có được thành tựu này là sự quyết tâm và đồng lòng của các cấp ủy địa phương và người dân.

Từ xuất phát điểm thấp

Bắt đầu xây dựng NTM, thị xã Thái Hòa ngoại trừ 4 phường ở trung tâm có cơ sở vật chất tương đối khá, còn lại là vùng nông thôn có nhiều khó khăn. Thời điểm năm 2010, bình quân 6 xã chỉ đạt 5,2 tiêu chí, thu nhập người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, với mức trung bình 16,73 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo tới 6,9%.

Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2015 khi tất cả các xã trong vùng đều đạt NTM đòi hỏi sự nỗ lực của cấp chính quyền và người dân. Theo đó, bắt đầu từ hạ tầng giao thông, Thái Hòa đã đề ra chương trình hành động theo từng giai đoạn cụ thể; đó là chương trình “60 ngày làm đường giao thông nông thôn kỷ niệm ngày thành lập thị xã”; “Phong trào ngày thứ 7 làm NTM”; “60 ngày về đích NTM”… Cùng đó là việc triển khai các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong xây dựng NTM tại các địa phương. Như, hỗ trợ 150 triệu đồng/xã để dồn điền đổi thửa, 40 - 60 triệu đồng/km vào 100% xi măng để làm giao thông. Hỗ trợ 500 triệu đồng cho việc đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như nuôi bò sữa, trồng cam, bưởi, hoa ly…

Đồng thời, tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.  Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã qua đó phát hiện các vướng mắc, đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.

nông thôn mới xã thái hòa nghệ an

Đoàn Thanh niên Thái Hòa tích cực tham gia xây dựng NTM - Ảnh: CTV

Đến tháng 10/2015, 6 xã thuộc thị xã Thái Hòa đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Thuận về đích năm 2014; xã Đông Hiếu, Tây Hiếu, Nghĩa Hòa và Nghĩa Tiến về đích trong năm 2015. Và đến tháng 2/2016, thị xã Thái Hòa đã được Chính phủ công nhận chuẩn NTM năm 2015; đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn NTM.

Có được kết quả này là do có sự phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể; công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và nhất là tuyên truyền về xây dựng NTM luôn được chú trọng, tạo được đồng thuận trong toàn thể nhân dân. Triển khai phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” với nội dung thiết thực, trọng tâm là làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn. Ngoài ra, hàng năm, tổ chức phát động và ký kết thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới cho các xã, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị... ủng hộ phong trào xây dựng NTM.

 

Nhiều thành tựu

Trong 5 năm xây dựng NTM (2010 - 2015), Thái Hòa đã huy động hơn 2,3 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM; trong đó, nhân dân đóng góp 412,745 tỷ đồng, chiếm 18%. Đồng thời để tăng thu nhập cho nhân dân, địa phương đã phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt nhiều kết quả khả quan. Về chăn nuôi, Thái Hòa đã triển khai thực hiện các chương trình dự án cải tạo Sind hóa đàn bò, mô hình hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển đàn bò sữa, đàn bò sinh sản, xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung theo quy hoạch tạo điều kiện cho nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, kết hợp phát triển chăn nuôi với phát triển trồng trọt tạo sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Đến nay, toàn thị xã có 18 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Thông tư 27/2011/TT-BNN và 1 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của công ty Vinamilk quy mô 2.700 con, hơn 50 mô hình chăn nuôi gia trại các loại góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn trâu bò 9.325 con, đàn lợn 11.396 con, đàn gia cầm 208 nghìn con. Ông Lê Phúc Ân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa, cho biết, địa phương đã cải tạo, nâng cấp gần 302 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, đưa tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa bằng bê tông, nhựa từ 29,9% (năm 2010), nay lên đến 89,8%. Nâng cấp, xây mới kiên cố hóa được 127,8/128 km kênh mương thủy lợi, phục vụ sản xuất dân sinh, đạt 99,27%. Đến nay, thu nhập bình toàn người dân toàn thị xã đạt 30,1 triệu đồng, trong đó khu vực nông thôn 26,04 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn 3,65%; 85/85 nhà văn hóa xóm và 6/6 nhà văn hóa xã được xây dựng khang trang...

>> Ấn tượng các con số NTM:

- Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 412,745 tỷ đồng. Hiện tại, giải ngân trên 2.260 tỷ đồng, chiếm khoảng 98% nguồn xây dựng cơ bản;

- Nhân dân đã hiến 108.883 m2 đất và đóng góp 123.772 ngày công phục vụ xây dựng các công trình NTM;

- Hạ tỷ lệ hộ nghèo 6,9% năm 2010 (theo chuẩn cũ) xuống còn 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,1 triệu đồng/người/năm.


Theo Vân Anh/huysanvietnam.com.vn