Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!
Sau Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa khá dồi dào, nhưng nhìn chung, sức tiêu thụ kém. Bên cạnh số ít mặt hàng khá đắt khách, hầu hết đều trong cảnh người bán mòn mỏi chờ người mua...

Thực phẩm, đồ dùng vắng khách!

Có mặt tại chợ Hà Tĩnh lúc 16h chiều 22/2, bao trùm các gian hàng thực phẩm là không khí ảm đạm, thưa thớt. Tình trạng này xuất hiện ở hầu khắp các quầy hàng, từ thịt bò, thịt lợn, thịt gà, đến hải sản…

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!

Hàng thịt thảnh thơi

Bác Nguyễn Thị Tuế (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) - người bán thịt bò lâu năm ở chợ Hà Tĩnh cho hay: “Ra tết, mặc dù giá cả đã hạ nhưng sức mua rất kém, chỉ bằng một nửa so với thời điểm này năm ngoái. Bác mở hàng từ mùng 2 tết, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa khá hơn”.

Các quầy hàng hải sản cũng thi thoảng mới thấy người hỏi thăm, trả giá. Chị Đặng Thị Vân - bán hải sản ở chợ Nghèn (Can Lộc) chia sẻ: “Từ chiều tới giờ, chị chưa mở hàng, thời điểm này năm ngoái thì tôm, mực bán rất chạy”. Chị Trần Thị Na - bán rau, cũng ái ngại: “Rau, củ, quả tết đã rẻ, nay còn rẻ hơn, nhưng cũng không mấy ai hứng thú”.

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!

Hàng hải sản chỉ có chủ với... chủ

Không chỉ ở chợ mà gian hàng thực phẩm của các siêu thị cũng ít người qua lại. Chị Hà - nhân viên Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Siêu thị mở cửa từ ngày mùng 4 tết, nhưng hàng thực phẩm rất ế khách”.

Không khí tại khu vực bán quần áo khá vắng lặng, người bán nhiều hơn người mua. Chị Lê Thị Mai (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) thở dài: “Gần tết, sức bán đã kém; ra tết, lại càng ế hơn. Mở hàng sáng mùng 4 tết nhưng cả ngày chỉ bán được 1 chiếc áo”. Đây cũng là tình trạng chung ở quầy hàng giày dép, túi xách... Chị Nguyễn Thị An - chủ tiệm giày dép chợ Hà Tĩnh nói: “Cả ngày, chỉ vài người hỏi thăm lèo tèo, có ngày không thấy bóng dáng người xem giày dép”.

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!

Rau quả cũng kén người mua

Các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng sau Tết Nguyên đán sức tiêu thụ kém không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế còn khó khăn, đặc biệt, trước và trong tết, người dân đã tiêu tốn một khoản chi phí khá lớn. Vì vậy, để tránh dư thừa hàng hóa, gây tổn thất trong kinh doanh, các tiểu thương cần lường trước tình hình, sức mua, tính toán dự trữ lượng hàng phù hợp với nhu cầu.

Hương hoa, vàng mã đắt khách

Ra Giêng, người dân thường có thói quen đi lễ đền chùa để cầu an, giải hạn, cầu lộc, cầu duyên. Theo đó, trong bức tranh mua bán ế ẩm chung, chỉ có các quầy hàng phục vụ cho việc đi lễ như: hoa quả, hương hoa, vàng mã... luôn nhộn nhịp. Bác Đinh Thị Lộc - bán vàng mã ở chợ Giang Đình (Nghi Xuân) cho hay: “Tôi mở hàng sáng mồng 2 tết và lượng người mua không ngớt. Năm nào khách cũng nhộn nhịp cho đến hết tháng Giêng. Người mua ít thì vài chục ngàn, nhiều thì vài trăm ngàn, thậm chí, tiền triệu”.

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!
Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!

Chỉ có hoa quả, hoa tươi...

Bà Phan Thị Thanh – bán hoa quả chợ Giang Đình chia sẻ: “Tết Nguyên đán này, mỗi ngày, lượng hàng tôi nhập về khá lớn và đều tiêu thụ gần hết. Một số loại quả được xem là may mắn như: đu đủ Thái, dưa hấu, sung… được rất nhiều người lựa chọn”.

Thị trường sau Tết: Sức tiêu thụ kém!

... và vàng mã là có khách

Hoa quả có sức mua lớn và nhìn chung, giá cả tương đối ổn định, trừ một số loại tăng giá nhẹ. Theo đó, thanh long có giá bán 50 ngàn đồng/kg, dưa hấu dao động từ 15–30 ngàn đồng/kg tùy loại, vú sữa 60 ngàn đồng/kg, đu đủ Thái 40 ngàn đồng/kg, cam bù Hương Sơn 70 ngàn đồng/kg, nho miền Nam 70 ngàn đồng/kg…

nguồn: baohatinh.vn