Thị xã thời để nhớ...
- Thứ sáu - 09/06/2017 10:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thành Sen thuở ấy. (Ảnh tư liệu: Sỹ Ngọ)
Tốt nghiệp loại ưu trong hơn mấy trăm sinh viên sư phạm năm 1977, tôi và anh Thái Văn Hà (khoa Toán Lý, sau này là Hiệu trưởng Trường năng khiếu thị xã, sau đổi thành THCS Lê Văn Thiêm) và vài người nữa được Sở Giáo dục chọn về dạy tại trường cấp 2 Bắc Hà. Đây là nơi kiến tập của sinh viên, và chúng tôi là người "dạy mẫu" để họ thị phạm!
Những đêm thao thức bên trang giáo án, những giờ dạy "mẫu" trước hàng trăm người, với những thầy cô giáo trẻ chúng tôi lúc ấy, là những thử thách không nhỏ và đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên. Thị xã ngày ấy nhỏ như lòng bàn tay. Hai phường Bắc Hà, Nam Hà có lẽ chưa đến một vạn dân. Ngoài đoạn đường QL 1 chạy qua vài cây số từ quán Đỗ Đen đến Cầu Phủ, đường Phan Đình Phùng là tuyến phố trung tâm được rải nhựa (hẹp bằng nửa bây giờ) là đẹp nhất. Các đường phố còn lại chủ yếu là đường đất, mùa hè mù mịt bụi và mùa mưa thì nhão nhoẹt, lầy lội vô cùng.
Sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các công trình hầu như bị san phẳng, cả thị xã chỉ còn lại một ngôi nhà nhỏ hai tầng của Đài Phát thanh tỉnh và Khách sạn Giao tế. Nhà ở lợp lá tro, vách đất trát xi kiểu truyền thống Thạch Hà phổ cập khắp các khối phố từ Lâm Phước Thọ, Trần Thị Hường đến Thành Đông, Đồng Hải, Đồng Quế, Đồng Vinh...
Thời đó, cả thị xã chỉ có duy nhất đường Phan Đình Phùng - tuyến phố trung tâm được rải nhựa. (Ảnh tư liệu: Sỹ Ngọ)
Đài thị xã thời ấy khi to khi nhỏ, điện thị xã thì khi tỏ khi mờ. Nước máy bữa có bữa không, mùa hè người người thức dậy từ canh ba, thùng chậu chờ chực nơi vòi công cộng tranh nhau từng xô nước. Chất đốt cổ điển vẫn là rơm rạ, củi và mùn cưa. Tủ lạnh máy giặt, điều hoà nhiệt độ, bàn là, quạt điện chỉ là thứ trong phim ảnh, không ai bán mà có bán cũng chẳng thể mua. Hàng tiêu dùng trăm thứ thiếu, đến cả kim chỉ cũng nhiều khi phân phối...
Thời ấy nhà ngói là thứ xa xỉ, hiếm hoi. Thị xã hai phường, thị xã nhà tranh. Ngành công nghiệp chẳng có gì đáng kể ngoài một xí nghiệp may mặc, một xưởng gỗ, một xí nghiệp dược phẩm... Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhỏ bé: một HTX Đồng Tiến làm pháo, phấn viết và mành xuất khẩu, vài cửa hàng ăn uống giải khát, mấy quán cháo phở lèo tèo; rải rác vài ba hiệu sửa đồng hồ, chụp ảnh, cắt tóc, sửa xe đạp.
Chợ tỉnh họp tháng ba mươi phiên, nhưng chỉ có mấy phiên đại, ngoài những sạp quần áo, vải vóc lưa thưa, sôi động hơn cả là hàng tôm cá, hàng lá tro, than củi, đồ đan xếp dãy dài và có cả hàng xe đạp. Vẫn còn các cụ già, mình trần bóng nhẫy mồ hôi, đội nón rộng vành,mưa nắng lam lũ mưu sinh với nghề xe kéo, ai thuê gì cũng chở. Đầu đường cuối chợ thấy nheo nhóc cảnh những người ăn xin giơ nón rách...
Cả thị xã ngày ấy quay quắt trong cơn đói ăn, thiếu mặc, gạo đắt như châu, củi hiếm hơn quế. Đây đó cũng có những nhà khá giả, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay trên từng khối phố. Thi thoảng mới có đôi ba cái xe Honda 67, Honda cối rồ máy ầm ào phun khói đen ra oai trên các tuyến đường nhấp nhô gạch đá. Nhà mấy "đại gia" có máu mặt cát xét, loa thùng hướng ra mặt đường, xập xình khoe giọng ca những Chế Linh, Thanh Tuyền, Khánh Ly, Duy Khánh... hình như không khi nào nghỉ.
Ngã ba đường Phan Đình Phùng - Quốc lộ 1A thập niên 80. (Ảnh tư liệu: Sỹ Ngọ)
Thời tem phiếu, cả nước gặp khủng hoảng trầm trọng, nghe nói có lúc người ta đã bàn cái việc nhập thị xã vào huyện Thạch Hà cho đỡ cảnh đèo bòng. Cán bộ, nhân dân lo lắng. May thay, đúng dịp Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm tỉnh, có ghé qua thị xã. Các cụ lão thành và lãnh đạo thị xã nêu kiến nghị, bày tỏ tâm tư nguyện vọng lên người đứng đầu Chính phủ. Nghe xong câu chuyện, Thủ tướng nói, đại ý: không thể xoá bỏ thị xã được, mục tiêu của chúng ta là xây dựng nhiều thành phố hơn nữa; bây giờ còn khó khăn, nhưng nay mai ta sẽ xây dựng thị xã Hà Tĩnh đàng hoàng to đẹp như Bác Hồ hằng mong muốn.
Thế là, bằng tầm nhìn xa trông rộng của Thủ tướng, Thành Sen thị xã của chúng ta đã may mắn tránh được một lần sắp khai tử! Những năm ấy kinh tế cực kỳ khó khăn, người dân thị xã phải vật lộn mưu sinh, ăn khoai, mì hột thay cơm; lương giáo viên như tôi 55 đồng, đủ mua khoảng 7-8 kg gạo. Trong dân gian lưu truyền câu "năm tám mươi, gạo cũng tám mươi, dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ!". Mặc thì áo vá vai, đi đã có "xe cố vấn". Thế mà người ta vẫn sống, còn sống vui vẻ nữa, kể cũng lạ!
Tuy ngặt nghèo về vật chất, nhưng ngược lại đời sống văn hoá tinh thần thì vẫn thăng hoa, tưởng như không hề khó khăn, đói kém. Người ta vẫn yêu đời, sống chan hòa, tình nghĩa, sẻ chia, nhường nhịn... Rạp 26-3 tối nào gần như cũng sáng đèn, kín chỗ, dập dìu những trai thanh, gái lịch đến thưởng thức những bộ phim tấn như “Ruslan và Ludmila”, "Cánh cửa rộng mở", "Người báo thù không bao giờ bị bắt"... chiếu màn ảnh rộng không dễ gì quên. Nhà hát ngoài trời vài ba tháng lại đông nghịt khán giả với những vở hát chèo, cải lương, kịch nói nổi tiếng trong nước, nước ngoài (có cả vở "Vòng phấn Cáp-ca" nổi tiếng của Bécton Brech) đều được công diễn.
Cuộc sống vẫn sinh sôi nẩy nở từng ngày. Sen nở thắm Hồ Thành mỗi khi hè đến. Lòng người Thành Sen vẫn trong sáng một niềm tin, cùng vượt qua những ngày gian khó, bằng bàn tay lao động sáng tạo cần cù, mỗi sáng chờ bình minh lên mà bừng khát vọng hướng tương lai. Giáo dục thị xã hồi ấy là điểm sáng của giáo dục Nghệ Tĩnh. Thầy hiệu trưởng Lê Văn Tùng (sau này là Phó Bí thư thường trực Thị uỷ, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh) là người thông tuệ, mẫu mực, có tài quản lý, là "con chim đầu đàn" luôn nâng mỗi bước cánh trẻ chúng tôi đi. Và nữa, cả một thế hệ học trò thị xã trong thiếu thốn nhưng như măng mọc thẳng, lớn lên mà cùng nhau làm rạng rỡ truyền thống Thành Sen! Ai nhớ, ai quên những chuyến đò, riêng tôi vẫn luôn tự hào về mái trường và những gương mặt thân yêu của các em học sinh ngày xưa ấy...
TP Hà Tĩnh hôm nay khang trang, hiện đại
Thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã tròn 40 năm ngày lần đầu tôi trở thành công dân thị xã, và như duyên nợ, nay tôi lại trở về. Bốn thập niên đã qua cũng là chặng đường dài thị xã vươn lên trở thành thành phố. Một đô thị lớn đang từng ngày thay da đổi thịt, vóc dáng thành phố hiện đại, tráng lệ đã hình thành. Những gì ngày qua đã trở thành quá khứ. Những công trình to lớn, sang trọng, những phố xá tấp nập xe cộ. Những đại lộ đêm đêm bừng ánh điện như cả một trời sao. Nhịp sống mới no ấm, hạnh phúc, văn minh bừng lên trong mỗi phố phường, trong mỗi nhà và rạng ngời trên mỗi gương mặt người, tươi trẻ.
Mười năm thành phố, mười năm của cuộc trở mình trẻ trung, lớn dậy đầy kiêu hãnh, tự hào! Như cây đời xanh thắm, kỷ ức thân thương về thị xã ngày ấy sẽ còn vương vấn mãi trong tôi, không thể mờ phai...
Theo Bùi Đức Hạnh/baohatinh.vn